LĐST – Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả hướng đến sự phát triển bền vững năng lượng Việt Nam. Đây là chủ trương lớn của Đảng nhằm định hướng dài hạn chiến lược an ninh năng lượng nói chung, sự phát triển bền vững, ổn định của ngành năng lượng Việt Nam nói riêng.
Vào ngày 13/10, tại Diễn đàn “Chuyển dịch Năng lượng của Việt Nam hướng đến phát triển bền vững”, nhiều chuyên gia nhận định rằng, cải thiện chất lượng sử dụng năng lượng theo hướng tiết kiệm và hiệu quả, bảo tồn tài nguyên năng lượng là giải pháp quan trọng trong chính sách an ninh năng lượng quốc gia.
Diễn đàn “Chuyển dịch Năng lượng của Việt Nam hướng đến phát triển bền vững”
Đây cũng chính là Nghị quyết số 55 – NQ/TW do Bộ Chính trị đã ban hành ngày 11/2/2020 về định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Nghị quyết đề ra mục tiêu tổng quát: “Bảo đảm vững chắc an ninh năng lượng quốc gia; cung cấp đầy đủ năng lượng ổn định; có chất lượng cao với giá cả hợp lý cho phát triển kinh tế – xã hội nhanh và bền vững; đảm bảo quốc phòng, an ninh; nâng cao đời sống của nhân dân; góp phần bảo vệ môi trường sinh thái.
Ngành năng lượng phát triển hài hòa giữa các phân ngành với hạ tầng đồng bộ và thông minh, đạt trình độ tiên tiến của khu vực ASEAN. Xây dựng thị trường năng lượng cạnh tranh, minh bạch, hiệu quả, phù hợp với thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.
Khai thác và sử dụng có hiệu quả nguồn tài nguyên năng lượng trong nước kết hợp với sản xuất, nhập khẩu năng lượng hợp lý; triệt để thực hành tiết kiệm và sử dụng hiệu quả năng lượng. Chủ động sản xuất được một số thiết bị chính trong các phân ngành năng lượng; nâng cấp, xây dựng lưới điện truyền tải, phân phối điện tiên tiến, hiện đại”.
Chuyển dịch năng lượng (ảnh minh họa).
Bên cạnh đó, Nghị quyết 55 của Bộ Chính trị đã đề ra quan điểm chỉ đạo và mục tiêu cụ thể để thúc đẩy chuyển dịch năng lượng bền vững như: “bảo đảm vững chắc an ninh năng lượng quốc gia một cách nhanh và bền vững, đi trước một bước gắn với bảo vệ môi trường sinh thái; ưu tiên phát triển năng lượng tái tạo, điện khí; có lộ trình giảm tỉ trọng điện than một cách hợp lý.
Sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả…” với mục tiêu chủ yếu như: giảm phát thải khí nhà kính từ hoạt động năng lượng so với kịch bản phát triển bình thường ở mức 15% vào năm 2030 lên mức 20% vào năm 2045.
Tỉ lệ các nguồn năng lượng tái tạo trong tổng cung năng lượng sơ cấp đạt khoảng 15 – 20% vào năm 2030; 25 – 30% vào năm 2045; tỉ lệ tiết kiệm năng lượng trên tổng tiêu thụ năng lượng cuối cùng so với kịch bản phát triển bình thường đạt khoảng 7% vào năm 2030 và khoảng 14% vào năm 2045…
Cũng tại Diễn đàn “Chuyển dịch Năng lượng của Việt Nam hướng đến phát triển bền vững”, TS. Nguyễn Đức Hiển – Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương cho biết: Việt Nam là một trong sáu quốc gia chịu ảnh hưởng lớn nhất bởi biến đổi khí hậu toàn cầu năm 2020.
Trong những năm qua, Việt Nam đã luôn tích cực trong thực hiện các cam kết của Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững và tích cực tham gia Thỏa thuận chung Paris trong khuôn khổ Công ước chung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP 21).
Trong đó, một trong những yêu cầu quan trọng Việt Nam cần thực hiện khi tham gia là thúc đẩy chuyển dịch năng lượng mạnh mẽ để giảm phát thải khí nhà kính, các quyết định đầu tư và chính sách phải được thực hiện để khử carbon trong lĩnh vực năng lượng. Bên cạnh đó, việc thực hiện các FTA thế hệ mới cũng đặt ra các yêu cầu phải thúc đẩy chuyển dịch năng lượng.
Theo tinh thần của Nghị quyết 55, Chính phủ lãnh đạo xây dựng và triển khai Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia và các chiến lược phát triển các phân ngành năng lượng. Quy hoạch tổng thể năng lượng quốc gia; Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia phù hợp với tinh thần của Nghị quyết.
Sắp tới Quốc hội sẽ sửa đổi Luật Dầu khí và hoàn thiện các luật chuyên ngành về điện lực, sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả và các luật khác liên quan đến ngành năng lượng để làm cơ sở thực hiện hiệu quả hơn cơ chế thị trường; nghiên cứu, thực hiện luật hoá việc điều hành giá điện và một số ưu đãi cho dự án được khuyến khích đầu tư trong lĩnh vực năng lượng; hoàn thiện khung pháp lý cho hoạt động kiểm soát và điều phối điện lực; nghiên cứu, xây dựng và ban hành luật về năng lượng tái tạo.
Như vậy có thể thấy rằng, Nghị quyết số 55-NQ/TW định hình một giai đoạn phát triển mới, toàn diện của ngành năng lượng Việt Nam, từ khâu cung ứng, truyền tải và phân phối, đến tiêu dùng năng lượng, trong đó, tiêu dùng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, hay nói cách khác việc sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả là một trong những nhân tố then chốt trong chiến lược phát triển bền vững ngành năng lượng của đất nước.
Trang Nhung
.