LĐST – Trong bối cảnh nhiều khó khăn, thách thức, đặc biệt là đại dịch Covid-19 ảnh hưởng tiêu cực đến mọi mặt đời sống của nhân dân, Đảng và Nhà nước luôn chú trọng và có nhiều chính sách an sinh xã hội, chăm lo đời sống của nhân dân, đặc biệt là những người hoàn cảnh khó khăn.
Vừa qua, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn vừa ký ban hành Công điện truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về việc đẩy mạnh thực hiện các chính sách giảm nghèo bền vững nhân Ngày vì người nghèo Việt Nam.
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các Bộ ngành, địa phương tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện
hiệu quả các chính sách, nhiệm vụ, giải pháp xoá đói giảm nghèo (ảnh: Báo Chính phủ).
Công điện nêu rõ: Nhân Ngày vì người nghèo Việt Nam (17/10), Thủ tướng Chính phủ đề nghị các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, các Bí thư tỉnh ủy, thành ủy, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương:
Tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện hiệu quả các chính sách, nhiệm vụ, giải pháp giảm nghèo; tiếp tục quan tâm, chăm lo tốt hơn cho những người nghèo, nhất là những người nghèo bị ảnh hưởng, tác động bởi thiên tai, đại dịch Covid-19.
Tiếp tục ưu tiên bố trí nguồn lực từ ngân sách nhà nước và huy động các nguồn lực xã hội hợp pháp khác phục vụ hiệu quả cho công tác giảm nghèo, hỗ trợ người nghèo, bảo đảm an sinh xã hội; khẩn trương triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững.
Trao tặng quà cho các hộ nghèo, hộ cận nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn. (Ảnh: Tuấn Anh/TTXVN).
Phối hợp chặt chẽ với Ủy ban Mặt Trận Tổ quốc Việt Nam các cấp, các tổ chức chính trị xã hội; huy động sự vào cuộc của các tổ chức, cá nhân, cộng đồng doanh nghiệp và các tầng lớp nhân dân, trên tinh thần phát huy truyền thống đoàn kết, “tương thân tương ái” tốt đẹp của dân tộc tổ chức thực hiện tốt phong trào “Cả nước chung tay vì người nghèo – không để ai bị bỏ lại phía sau”.
Trong nhiều thập kỷ qua, bảo đảm ngày càng tốt hơn an sinh xã hội luôn là một chủ trương, nhiệm vụ lớn của Đảng và Nhà nước, thể hiện bản chất tốt đẹp của chế độ ta và có ý nghĩa rất quan trọng đối với sự ổn định chính trị – xã hội và phát triển bền vững của đất nước. Trên cơ sở phát triển kinh tế – xã hội, cùng với việc không ngừng cải tiến chế độ tiền lương, tiền công và nâng cao thu nhập cho người lao động, Đảng và Nhà nước rất quan tâm chăm lo đến an sinh xã hội cho nhân dân.
Ngay từ Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ III của Đảng, Đảng ta đã xác định “… Cải thiện thêm một bước đời sống vật chất và văn hoá của nhân dân, làm cho nhân dân ta được ăn no mặc ấm, tăng thêm sức khoẻ, có thêm nhà ở và được học tập, mở mang sự nghiệp phúc lợi công cộng, xây dựng đời sống mới ở nông thôn và thành thị” .
Những năm sau đó, mặc dù trong điều kiện còn hết sức khó khăn, thiếu thốn, nhưng Đảng và Nhà nước vẫn luôn dành sự quan tâm đặc biệt đến công tác bảo đảm an sinh xã hội và phúc lợi xã hội.
Trong bối cảnh đất nước còn nhiều vấn đề cấp bách phải giải quyết, nhưng bảo đảm an sinh xã hội vẫn được Đảng ta xác định là nhiệm vụ thường xuyên và có tầm quan trọng hàng đầu vừa là mục tiêu, vừa là động lực của sự phát triển nhằm phát huy mọi khả năng của con người trong quá trình xây dựng chủ nghĩa xã hội.
Đảm bảo tốt an sinh xã hội sẽ góp phần tạo ra sự thống nhất giữa đổi mới về kinh tế với đổi mới chính trị, xã hội, tạo sự cân đối giữa tăng trưởng kinh tế và thực hiện công bằng xã hội ngay trong những bước đi đầu tiên của sự nghiệp đổi mới .
Có thể thấy, Đảng và Nhà nước ta coi việc An sinh xã hội luôn là một chủ trương, nhiệm vụ lớn xuyên suốt trên cơ sở phát triển kinh tế – xã hội. Qua đó, thấy được sự chung tay của các cấp, các tổ chức và các tầng lớp nhân dân, trên tinh thần phát huy truyền thống đoàn kết, “tương thân tương ái”, “cả nước chung tay vì người nghèo – không để ai bị bỏ lại phía sau”. Đặc biệt, chú trọng các phong trào, chương trình hành động thiết thực, hiệu quả vì người nghèo, góp phần thực hiện hiệu quả các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về giảm nghèo đa chiều, bền vững.
Trang Nhung