LĐST – Theo một nghiên cứu mới đây của trường Đại học Illinois (Mỹ), những người đã tiêm vaccine phòng COVID-19 vẫn có nguy cơ nhiễm biến thể Delta nhưng khả năng truyền virus sang người chưa tiêm thấp hơn 63%.
Một số kết quả nghiên cứu công bố gần đây cho thấy những người đã tiêm vaccine phòng COVID-19 đầy đủ ít có khả năng lây lan virus sang người khác hơn, kể cả với biến thể Delta.
Theo trang New Scientist, kể từ khi chủng Delta xuất hiện, có không ít ý kiến cho rằng vaccine COVID-19 không còn giúp gì nhiều trong việc ngăn chặn lây nhiễm, tuy nhiên quan niệm này đã bị một số nghiên cứu mới bác bỏ.
Theo nghiên cứu mới nhất của Trung tâm Dịch tễ học và giám sát bệnh truyền nhiễm (Hà Lan), người đã tiêm vaccine bị nhiễm COVID-19 chủng Delta giảm được 63% nguy cơ lây truyền cho người chưa tiêm. Tỉ lệ này thấp hơn so với chủng Alpha (73%) nhưng vẫn đáng kể.
Người tiêm đủ liều vaccine có thể giảm nguy cơ lây truyền cho người chưa tiêm
Chuyên gia Brechje de Gier thuộc nhóm nghiên cứu lưu ý hiệu quả giảm lây truyền của vaccine thực tế có thể cao hơn con số 63%, vì phần lớn người đã tiêm ngừa ngay từ đầu không bị phát bệnh.
Bà Brechje de Gier và các cộng sự đi đến kết luận sau khi phân tích dữ liệu từ hệ thống truy vết COVID-19 của Hà Lan, từ đó tìm ra tỉ lệ tấn công thứ cấp – tức số lượng tiếp xúc bị lây bởi các ca dương tính.
Giáo sư Christopher Byron Brooke tại Đại học Illinois (Mỹ) cho biết vaccine ngừa COVID-19 có thể hoàn toàn làm giảm sự lây nhiễm. Ông nêu rõ trong một số trường hợp, những người đã tiêm chủng có thể truyền virus sang người khác, nhưng dữ liệu cho thấy nguy cơ này thấp hơn rất nhiều so với người chưa tiêm.
Theo hãng tin Yonhap ngày 17/6, dữ liệu từ Cơ quan Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hàn Quốc (KDCA) đã phân tích hơn 9,58 triệu người Hàn từ 60 tuổi trở lên, trong đó có 5,53 triệu người đã nhận được liều đầu tiên của vaccine Pfizer hoặc AstraZeneca. Ở những người từ 60 tuổi trở lên ở Hàn Quốc, vaccine AstraZeneca có hiệu quả 78,9% đối với virus SARS-CoV-2, ít nhất hai tuần sau khi tiêm mũi đầu tiên, trong khi tỷ lệ hiệu quả của Pfizer là 86,6%.
Minh Hiếu