LĐST – Khi những cơn gió se lạnh cuối thu, đầu đông thổi về cũng là bắt đầu mùa hanh khô. Thời tiết này khiến nguy cơ cháy nổ gia tăng, đồng nghĩa, nếu không có biện pháp phòng chống tích cực thì cháy nổ sẽ gây ra hậu quả thật khó lường.
Dư âm khủng khiếp do cháy nổ gây ra
Theo báo cáo của Tổng cục thống kê, 6 tháng đầu năm nay, cả nước đã xảy ra 1.157 vụ cháy, nổ, làm 56 người chết và 84 người bị thương, thiệt hại ước tính 287 tỷ đồng.
Phòng cháy chữa cháy không chỉ là nhiệm vụ của lực lượng Công an PCCC mà là trách nhiệm của toàn dân
Hà Nội luôn được đánh giá cao trong công tác phòng cháy chữa cháy, cứu nạn cứu hộ. Tuy nhiên, trong những năm gần đây không ít vụ cháy nổ thương tâm gây hậu nặng nề về người và của đã xảy ra trên địa bàn thành phố.
Điều đó đã gióng lên hồi chuông báo động trong việc nâng cao ý thức của mọi người cùng với việc tích cực thực hiện các biện pháp phòng chống, xử lý sự cố cháy nổ, hỏa hoạn trên địa bàn.
Có thể kể đến vụ cháy nổ đầu tháng 4/2021 khiến 4 người tử vong trên phố Tôn Đức Thắng – Đống Đa, Hà Nội. Cơ quan chức năng xác định nguyên nhân ban đầu của vụ cháy là do chập điện.
Gia đình nạn nhân sinh sống và kinh doanh đồ sơ sinh (bỉm, sữa…) cho trẻ em, các mặt hàng bày bán được xếp trên các kệ tủ hàng đặt ở tầng 1 của ngôi nhà; Các tầng 2, 3 và tầng tum dùng làm nơi chứa hàng hóa kinh doanh và sinh hoạt của gia đình… đều không đảm bảo an toàn về phòng cháy.
Sau khi phát hiện khói bốc lên từ nhà số 311 phố Tôn Đức Thắng, người dân xung quanh đã hô hoán và gọi điện đến Trung tâm báo cháy của Công an thành phố thì hậu quả kinh hoàng đã xảy ra, tổn thất về người và của thật nặng nề.
Vụ cháy khủng khiếp tại xưởng cồn trong đêm 3/9, với nhiều tiếng nổ lớn diễn ra tại An Thượng, Hoài Đức, Hà Nội cũng khiến nhiều người dân hoang mang.
Khu xưởng này sản xuất dung môi, đến 22 giờ 30 phút ngày 3/9, lực lượng chức năng khống chế được đám cháy. Đám cháy đã làm cháy nhiều ô tô tải và thiêu rụi khu xưởng cồn rộng khoảng hơn 2.000 m2.
Hay như vụ hỏa hoạn xảy ra vào tối 12/9, tại một xưởng giấy ven QL5, trên địa bàn xã Đại Bản (huyện An Dương, TP. Hải Phòng). Ngọn lửa bùng phát trong phân xưởng sản xuất giấy của một công ty tư nhân.
Sau đó, ngọn lửa bùng lên dữ dội kèm theo cột khói lớn lan san các phân xưởng khác. Xưởng giấy này có diện tích ước tính hơn 1.000m2, thuộc một doanh nghiệp tư nhân, không nằm trong khu công nghiệp trên địa bàn.
Có thể nói, những sự cố cháy nổ dù bắt nguồn từ nguyên nhân nào, thiệt hại về người, về của, tỷ lệ thương vong không giống nhau, nhưng hậu quả và dư chấn tâm lý, tinh thần để lại là vô cùng nặng nề, dai dẳng.
Xã hội hóa công tác phòng cháy chữa cháy
Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành Kế hoạch thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về tiếp tục hoàn thiện, nâng cao hiệu lực, hiệu quả thực hiện chính sách, pháp luật về phòng cháy và chữa cháy.
Thời gian qua, công tác tuyên truyền, phổ biến kiến thức, pháp luật về phòng cháy, chữa cháy của Hà Nội nói riêng và cả nước nói chung đã có nhiều bước đổi mới với hình thức phong phú, đa dạng, thiết thực, hiệu quả gắn với từng diện, loại đối tượng cụ thể; góp phần nâng cao ý thức, nhận thức, trách nhiệm của các tầng lớp nhân dân.
Thành phố Hà Nội cũng quan tâm chú trọng nâng cao hạ tầng cơ sở phục vụ công tác chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ; đầu tư xây dựng trụ sở, trang thiết bị, phương tiện cho lực lượng cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ; củng cố, kiện toàn, nâng cao năng lực của lực lượng tại chỗ nhằm đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.
Ông Đỗ Quốc Khánh – Giám đốc Công ty TNHH Xử lý Lún nghiêng Việt Nam, Chỉ huy trưởng Tổ phòng cháy chữa cháy cơ sở đang chỉ đạo buổi tập huấn cho cán bộ, công nhân viên, người lao động trong khu công nghiệp Quang Minh, Mê Linh, Hà Nội.
Qua đó, công tác phòng cháy chữa cháy không chỉ riêng Công an PCCC mà đó còn là trách nhiệm của toàn dân. Công tác tuyên truyền, phổ biến kiến thức, giáo dục pháp luật về phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ được đẩy mạnh và ngày càng nâng cao hiệu quả.
Thành phố Hà Nội đã tập trung xây dựng phong trào toàn dân tham gia công tác phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ. Công tác phòng chống cháy nổ được thực hiện thường xuyên liên tục thông qua các bài diễn tập thực hành.
Việc nâng cao công tác phòng cháy chữa cháy tại cơ sở kinh doanh, doanh nghiệp trong khu công nghiệp, đồng thời phát huy tinh thần chủ động ứng phó, sẵn sàng với nhiệm vụ phòng và chống các sự cố cháy nổ tới từng cá nhân, từng đơn vị luôn được chú trọng.
Thực hiện tháng cao điểm của công tác phòng cháy chữa cháy, công tác tuyên truyền, diễn tập các tình huống phòng cháy chữa cháy, cháy nổ cho cơ sở, vừa qua tại Khu công nghiệp Quang Minh, Mê Linh (Hà Nội).
Công ty TNHH Xử lý Lún nghiêng Việt Nam đã liên tục phối hợp với Công an PCCC huyện Mê Linh và Công an PCCC thành phố Hà Nội tổ chức lớp bồi dưỡng nghiệp vụ PCCC và thực hiện diễn tập PCCC cho các đơn vị.
Có mặt tại buổi diễn tập, chị Phương, nhân viên của Công ty TNHH Hilim SCG Vina Technology nói: “Tại công ty chúng tôi, việc lắp đặt trang thiết bị PCCC được đầu tư cho các phòng ban và toàn công ty, hệ thống chuông báo cháy, bình chữa cháy, báo động… đầy đủ đảm bảo quy chuẩn theo quy định.
Những buổi tập huấn lý thuyết và diễn tập như thế này được tổ chức thường xuyên và được công an phòng cháy, chữa cháy các cấp hưởng ứng nhiệt tình, nghiêm túc cho toàn thể lãnh đạo, cán bộ công nhân viên, người lao động trong công ty chúng tôi”.
Tự hào là một trong những đơn vị trong khu công nghiệp thực hiện rất tốt công tác PCCC, anh Nguyễn Văn Chung, cán bộ trực điện nước, cứu hỏa Công ty TNHH Xử lý Lún nghiêng Việt Nam bày tỏ: “Vấn đề PCCC của đơn vị được thực hiện định kỳ, thường xuyên, các cán bộ công nhân viên, người lao động đều tham gia các lớp bồi dưỡng, thực hành với tinh thần hào hứng nhất.
Bản thân tôi năm nào cũng tham gia khóa đào tạo nhận thấy dịp này các kiến thức PCCC có nhiều nét mới, trong đó kiến thức lý thuyết được phổ biến rộng hơn, cập nhật, nắm bắt tình hình cháy nổ trong nước, quốc tế, phương pháp phòng chống xử lý sự cố sâu hơn.
Bản thân tôi cảm thấy việc PCCC vô cùng quan trọng, cấp thiết, dù sản xuất tốt đến đâu mà công tác này làm không tốt thì cũng mang lại hậu quả đáng tiếc.
Ban lãnh đạo cùng các cá nhân công ty luôn luôn không ngừng nâng cao ý thức, trách nhiệm, chủ động, nhằm đảm bảo an toàn tính mạng con người, tài sản.
Các công cụ, phương tiện phòng chống cháy nổ, cứu hộ, xử lý sự cố được cơ quan hết sức quan tâm, đầu tư, nhân sự túc trực liên tục.
Vì đặc thù là khu công nghiệp, với nhiều doanh nghiệp hoạt động sản xuất liền kề, do đó việc PCCC không chỉ riêng mỗi cá nhân, đơn vị mà là tinh thần trách nhiệm chung, tất cả đặt mục đích cao nhất là sự an toàn về người và của cho toàn công ty”, anh Chung chia sẻ thêm.
Đối với các đơn vị sản xuất kinh doanh thì công tác phòng chống cháy nổ
luôn phải được coi là nhiệm vụ trọng yếu.
Trao đổi với chúng tôi về công tác PCCC tại khu công nghiệp, ông Đỗ Quốc Khánh – Giám đốc Công ty TNHH Xử lý Lún nghiêng Việt Nam, Chỉ huy trưởng Tổ phòng cháy chữa cháy cơ sở cho biết: “Công tác phòng cháy, chữa cháy được chúng tôi quan tâm thường xuyên hàng ngày hàng giờ.
Công tác kiểm tra bắt buộc duy trì, có chế độ trực 24/24, đêm hay ngày đều có cán bộ trực tiếp kiểm tra cơ sở. Đặc biệt đối với các đơn vị sản xuất kinh doanh thì công tác phòng chống cháy nổ luôn phải được coi là nhiệm vụ trọng yếu.
Ngoài ra, tại khu công nghiệp, chúng tôi thành lập trung tâm chỉ huy, có loa phóng thanh, hệ thống camera kiểm soát toàn bộ nóc nhà, lối đi lại.
Đội PCCC hiện nay có hơn 20 người. Chúng tôi luôn kiểm tra hàng ngày hệ thống bảo vệ báo cháy báo khói, điện, cứu hỏa, trạm bơm nước, hệ thống báo cháy báo khói tự động, đấu nối liên hoàn trực tiếp với Công an PCCC 114 để khi xảy ra sự cố thì đảm bảo xử lý kịp thời, nhanh chóng.
Các buổi tấp huấn, diễn tập diễn ra thường xuyên nhằm giáo dục ý thức PCCC cho toàn bộ cán bộ công nhân viên, người lao động trong khu công nghiệp, các doanh nghiệp, đồng thời kiểm tra toàn bộ hệ thống kỹ thuật, con người, việc vận hành, khả năng phối hợp giữa cơ quan tổ chức, đoàn thể trong xử lý khi có đám cháy, xử lý cháy nổ”, ông Khánh nhấn mạnh.
Những năm qua, công tác PCCC đã và đang được từng bước xã hội hóa. Phần lớn cơ sở và người dân đã xác định được quyền lợi và nghĩa vụ trong việc thực hiện công tác PCCC. Nhiều ngành, địa phương đã chủ động bố trí kinh phí cho công tác PCCC.
Nhân dân đã tự phá dỡ, giải tỏa tạo khoảng cách an toàn, làm đường cho xe chữa cháy tiếp cận khu dân cư dễ cháy, đóng góp kinh phí mua sắm trang bị phương tiện, dụng cụ chữa cháy, thực hiện nghiêm quy định an toàn PCCC tại nơi làm việc, nơi sinh sống; tham gia tích cực vào các hoạt động PCCC với nhiều việc làm tốt, kinh nghiệm hay trong công tác PCCC.
Công tác PCCC đã và đang được từng bước xã hội hóa
Mặc dù còn nhiều khó khăn, nhưng để thực hiện mục tiêu xã hội hóa công tác PCCC cần có sự tham mưu, tham gia chỉ đạo, hướng dẫn, phối kết hợp của các Bộ, ngành, địa phương, cơ quan đoàn thể và đặc biệt là sự chung tay đoàn kết của quần chúng nhân dân. PCCC hiệu quả đồng nghĩa với việc mang lại những giá trị nhân văn cho cuộc sống an toàn, bình yên.
Hồng Nhung