LĐST – Gần một năm trôi qua, kể từ ngày dải đất miền trung oằn mình gánh chịu những thiệt hại nặng nề từ trận lũ lịch sử tháng 10/2020. Với mảnh đất đầy nắng và gió xã Cẩm Duệ, huyện Cẩm Xuyện (Hà Tĩnh) là một trong những rốn lũ có thiệt hại lớn về người và của.
Nhưng với sự hỗ trợ của chính quyền, sự sẻ chia giúp đỡ của cả cộng đồng, người dân đã nỗ lực nhanh chóng ổn định cuộc sống, cuộc sống đang hồi sinh.
Cẩm Duệ hồi sinh sau trận lũ lịch sử.
Phóng viên chúng tôi trở lại xã Cẩm Duệ, huyện Cẩm Xuyên (Hà Tĩnh) vào một ngày giữa tháng 9/2021, sau gần một năm trận lũ lịch sử đi qua. Điều khiến mọi người không ngờ, dấu vết của trận lũ năm trước dường như không còn. Những bùn đất từ bức tường, cửa, cây cối ngả nghiêng nhuộm màu đất… đã được rửa sạch hoàn toàn.
Những cánh đồng lúa bao la xanh màu hy vọng, lợn, gà… từng bị lũ cuốn trôi cũng đã được gây đàn và sinh sôi, những con đường sạch sẽ rợp mát, nhiều ngôi nhà mới khang trang đang ngày càng xuất hiện. Cả một vùng quê trước đây chừng gần 1 năm còn chìm trong biển nước, nay đã khoác lên mình một một diện mạo mới.
Trở về giữa ranh giới của sự sống và cái chết, anh Đặng Trung Kiên vẫn chưa hết bàng hoàng kể lại: Không xót sao được khi cả cơ nghiệp, vốn liếng, thậm chí tiền tỷ vay ngân hàng cũng được gia đình tôi dồn cả vào mấy hồ cá. Thời điểm đó, cá sinh trưởng tốt, sắp cho thu hoạch thì bất ngờ chỉ trong vài tiếng đồng hồ nước lũ đột ngột dâng cao, chúng tôi không kịp trở tay, cá trôi theo dòng nước lũ hết.
Những ngày đầu, vì thiệt hại quá lớn, bất ngờ nên vợ chồng tôi chán nản lắm, muốn buông xuôi tất cả, nhiều ngày liền hai vợ chồng không thiết ăn uống gì. Nhưng rồi nghĩ lại, tôi cho rằng chỉ trừ con người mất thì không thể làm lại, còn tài sản, mình có quyết tâm, chịu khó, chịu khổ, ắt sẽ làm lại được. Khi nỗi buồn nguôi ngoai, vợ chồng tôi động viên nhau “thua keo này ta bày keo khác”, quyết tâm khôi phục lại.
Sự sống nảy sinh từ trong sự tàn phá của mưa lũ, hạnh phúc hiện hình từ những hy sinh gian khổ. Có lẽ với những thôn xóm, nơi mảnh đất đầy nắng và gió xã Cẩm Duệ, huyện Cẩm Xuyên (Hà Tĩnh) dù cuộc sống có đi đến tận cùng thì sức sống mãnh liệt vẫn khiến người ta vươn lên, từ những cánh đồng ruộng lúa thì cuộc sống vẫn tiếp diễn với muôn phần lạc quan.
Với sự quan tâm chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền, phối hợp chặt chẽ của MTTQ, các tổ chức đoàn thể, đơn vị thôn, xóm, đặc biệt sự nổ lực phấn đấu của cán bộ, đảng viên và bà con nhân dân xã Cẩm Duệ, huyện Cẩm Xuyên (Hà Tĩnh) đã khắc phục mọi khó khăn, thực hiện đạt kết quả tốt trên các lĩnh vực: Lúa vụ Xuân 449,5ha, đạt 100% KH; năng suất 60 tạ/ha; sản lượng 2.697 tấn, đạt 100% KH.
Các loại cây lương thực khác (Ngô, khoai, sắn) 15/15 ha, đạt 100% KH; giá trị kinh tế ước tính đạt 25-30 triệu đồng/ha. Cây công nghiệp hàng năm như (Đậu, lạc, vừng) 33/33 ha, đạt 100% KH; giá trị kinh tế ước tính đạt 40-45 triệu đồng/ha.
Cây rau màu các loại 25/25 ha, đạt 100%, giá trị kinh tế ước đạt 20 triệu đồng/ha. Tổng đàn trâu bò: 1.178/1250 con, đạt 94,25% KH. Tổng đàn lợn: 1.230/2.500 con, đạt 49,2% KH. Gia cầm, thủy cầm: 46.000/45.000 con, đạt 102% KH. Diện tích nuôi trồng thủy sản hiện có là 22 ha. Số đã cho thu hoạch trong 6 tháng đầu năm (vào dịp Tết Đoan Ngọ 5/5AL) đạt khoảng 30%, số còn lại dự kiến thu hoạch vào dịp Tết.
Cẩm Duệ vào mùa thu hoạch.
Ông Võ Tá Kỷ, Chủ tịch UBND xã Cẩm Duệ, huyện Cẩm Xuyên chia sẻ: Đợt lũ vừa qua, xã nhà bị ảnh hưởng rất nặng nề, nhiều hộ gia đình bỗng chốc trắng tay sau lũ. Tuy nhiên, với sự chỉ đạo của sát sao của lãnh đạo tỉnh và huyện cũng như sự đồng lòng của người dân, chính quyền xã đã nhanh chóng tới thăm hỏi, động viên, và hỗ trợ cây giống, vật nuôi để người dân vượt qua khó khăn sớm ổn định lại cuộc sống và tái sản xuất, kinh doanh, nhất là trước Tết Nguyên đán./.
Cẩm Duệ là một xã bán sơn địa thuộc huyện Cẩm Xuyên, tỉnh Hà Tĩnh, Việt Nam. Xã Cẩm Duệ có diện tích 12,89 km², dân số năm 2021 là 8216 người, mật độ dân số đạt 638 người/km². Xã nằm phía Tây Bắc huyện Cẩm Xuyên, Cách thị trấn Cẩm Xuyên khoảng 8km. Trong hai cuộc kháng chiến Cẩm Duệ là nơi cất giữ vũ khí đạn dược lương thực, là nơi đón và tiễn đưa bộ đội lên đường vào mặt trận phía Nam và tiếp đón Thương binh, bệnh binh về an dưỡng điều trị. Nơi đây cũng là Quê hương của Cố Tổng bí thư Lê Duẩn có Tháp Đá Cẩm Duệ là di tích lịch sử văn hoá Quốc gia. |
Trần Công