LĐST – Về xã Khánh Hợp, huyện Nghi Lộc, Hà Tĩnh, bạn sẽ gặp được một người đàn ông năm nay đã ngoài 70 tuổi, với mong muốn mòn mỏi tạo ra một loại sáo dành riêng cho người khuyết tật. Và sau chục năm nghiên cứu, mày mò, người đàn ông này đã hoàn thành sản phẩm – loại sáo không có lỗ, chỉ cần dùng hơi. Tác giả của loại sáo đặc biệt này chính là ông Chu Đình Hoả (người dân thường gọi ông với cái tên gần gũi là Chu Hoá).
Suýt bị nhiều người nghĩ là bị tâm thần
Ông Chu Đình Hoả vốn đam mê sáo trúc từ năm lên 9 tuổi. Trước đây, ông là văn công trong quân đội. Ông chơi được 8 loại nhạc cụ, đam mê nhất là sáo, trong đó có loại sáo không có lỗ và không dùng bằng tay.
Ông Chu Đình Hoả cùng sáng chế sáo “Từ tâm” dành cho người khuyết tật. Ảnh: Hoàng Đạt.
Chia sẻ về lý do vì sao ông dành nhiều thời gian, công sức để chuyên tâm chế tạo ra loại sáo này, ông Hoả cho biết: “Trong một đợt biểu diễn, khu vực bị bom đánh khiến nhiều người bị khuyết tật. Từ đó, bác ấp ủ trong lòng làm thế nào để cho anh em giới văn nghệ sĩ là thương binh có cơ duyên biểu cảm tâm hồn bằng âm nhạc. Không chỉ là những người thương binh mà kể cả là những người khuyết tật”.
Sau 14 năm nghiên cứu, ông đã chế tạo ra loại sáo này, chỉ cần dùng hơi điều chỉnh là có thể tạo ra nhạc. Đó là khoảng thời gian dài với biết bao khó khăn, gian truân của ông Hoá.
Từ ngày ấp ủ nghiên cứu sáo dành cho người khuyết tật, ông Hoả luôn lao động hết mình. Khi xong xuôi công việc gia đình thì thười gian còn lại, ông đều dành để nghiên cứu và chế tạp sáo. Nhiều đêm, ông thức trằn trọc để vẽ ra giấy hình hài cây sáo, làm, cưa, khoan suốt cả đêm. Người dân còn mắng ông và có nhiều lần suýt bị nhiều người nghĩ ông là một người tâm thần. Bởi với ông, sản phẩm phải được tạo ra, đã nung nấu mong muốn là không thể ngừng lại được.
Vợ ông Hoả cũng hết lòng ủng hộ chồng khi biết được mục đích ông theo đuổi, chế tạo loại sáo này, dù cho có vất vả hay bị nhiều người ban đầu nói ra nói vào. Bà chia sẻ: “Lúc đầu cũng can ngăn, nhưng sau khi biết được mục đích thì bà hết lòng ủng hộ”.
Hàng xóm khi đã hiểu tâm tư, mong muốn lương thiện vì người khuyết tật của ông cũng hết sức vui vẻ và ủng hộ cho ông Hoả. Tình hàng xóm láng giềng lại càng thêm gắn kết bởi tấm lòng nhân hậu của ông.
Chia sẻ sự may mắn đó cho những người bất hạnh hơn
Theo năm tháng, sau 14 năm nghiên cứu và mày mò, ông đã làm thành công loại sáo này. Loại sáo không có lỗ, không cần dùng tay để chơi mà chỉ cần dùng hơi điều chỉnh. Ông Hoả đã đặt tên cho loại sáo này là “Từ tâm”. Trong đó, “Từ” là từ thiện, “Tâm” là cái tâm của mình giúp đỡ người khuyết tật.
Ông Chu Đình Hoả thổi sáo với chính sản phẩm của mình chế tạo ra. Ảnh: Hoàng Đạt.
Lượng hơi của mình phóng ra mạnh hay nhẹ thì tạo ra lượng nốt khác nhau. Từ đó mà mình điều chỉnh nhịp nhàng. Sau khi đã quen với cung bậc lượng hơi rồi thì người dùng có thể tạo ra được những bản nhạc theo ý muốn. Chỉ cần thấy những người đồng đội của mình, những người khuyết tật khác được vui vẻ, hoà vào nhũng bản nhạc của họ bằng tiếng sáo, ông Hoả đã thấy được sự thành công sau bao nỗ lực của mình.
Ông Thái Khắc Hoàng (Chủ tịch Hội NKT thành phố Vinh – Nghệ An) đã gửi lời cảm ơn vui mừng chia sẻ: “Đây là một việc làm đầy giá trị nhân văn, hỗ trợ cho những con người yếu thế tìm nguồn vui của cuộc đời để vươn lên trong cuộc sống. Một việc làm rất hữu ích… Cảm ơn anh Hoá, cảm ơn cuộc đời còn có những con người tự tam giúp mọi người”.
Với tấm lòng nhân hậu, luôn mong mỏi tạo ra giá trị tinh thần cho những người khuyết tật để họ có thêm niềm vui trong cuộc sống, ông Hoả không ngần ngại đi nhiều nơi đem loại sáo này đến tay nhiều người khuyết tật. Ông là người trong thế hệ trước, thấu hiểu những mất mát do bom đạn, chiến tranh gây ra. Chính vì vậy mà ông luôn dành tâm tư, tình cảm chân thành của mình để giúp đời, giúp người, đặc biệt là người khuyết tật: “Bác hạnh phúc lắm! Minh sinh ra lành lặn, đầy đủ chân tay. Đó là một điều may mắn. Vậy nên mình phải chia sẻ sự may mắn đó cho những người bất hạnh hơn”.
Nguyễn Nhật (t/h)