LĐST – Sau hàng chục năm mong mỏi của người dân Thủ đô, Quy hoạch phân khu Đô thị sông Hồng đang dần trở thành hiện thực.
Theo đó, sông Hồng sẽ là trung tâm; hai bên là trục vành đai xanh, cảnh quan đô thị, ở đó nhấn mạnh yếu tố văn hóa đặc sắc của sông Hồng, tạo không gian hài hòa để phát triển cho cả hai bên dòng sông. Trước kì vọng lớn lao này, tôi bỗng nhớ đến xóm ngoài đê sông Hồng ngày ấy…
Với những đứa trẻ sinh ra và lớn lên ở khu phố cổ Hà Nội như tôi, sông Hồng, bãi Giữa và con đê của nó chứa bao điều bí ẩn, thách thức trí tò mò và mong muốn được khám phá.
Ngày ấy, ngoài đê phần lớn là người lao động lam lũ, kéo xe bò, buôn thúng bán bưng, đạp xích lô… đa phần không có hộ khẩu, sống tạm bợ trong những ngôi nhà cấp bốn lợp tôn, fibro xi măng hoặc giấy dầu.
Ngày ấy, ngoài đê năm nào cũng ngập lụt. Mỗi khi nghe xôn xao “nước về to lắm, ngoài bãi ngập rồi, chẳng biết có giữ được đê không…” là thế nào tôi cũng tìm cách trốn ra đê xem nước.
Đứng trên đê, tôi sợ hãi và hiếu kỳ trố mắt nhìn những mái nhà ngập lút trong làn nước đỏ, đặc quánh phù sa, những ngọn cây chỉ còn nhô lên một đoạn rũ rượi, vật vờ trên biển nước mênh mông, lềnh bềnh củi rác, sóng vỗ vào thân đê ì oạp.
Rất nhiều chiếc thuyền nhỏ, chất đầy vật dụng như nồi niêu, chăn màn, quần áo… được những người đàn ông lội trong nước ngập đến ngang ngực dong đi. Có khi trên thuyền còn có cả vài con lợn, đàn bà, trẻ con. Những đứa trẻ đen đúa, tóc cháy nắng, mắt thao láo.
Trên mặt đê, dưới chân đê và cả các phố xung quanh ngổn ngang những túp lều quây tạm bằng cót và giấy dầu.
Trong lều, chất đống những của cải của họ, ướt át và bốc mùi. Những dây phơi quần áo tạm bợ, những cái bếp kê tạm bằng mấy viên gạch vỡ trước cửa lều, những cái nồi đen sì, móp méo, củi ướt bốc khói cay sè.
Tiếng loa, tiếng khóc lóc, tiếng chửi rủa, tiếng gà, tiếng chó sủa, tiếng lợn kêu hòa vào nhau thành một bản hòa tấu hỗn độn, sợ hãi và buồn thảm.
Trận lũ năm 1971, ngành giao thông đã điều hẳn một đoàn tàu chở đầy đá hộc để ém trên cầu Long Biên vì sợ trôi cầu – Ảnh tư liệu TTXVN
Kinh hoàng nhất là mùa lũ năm 1971. Những trận mưa như xối cả tuần liền khiến nước dồn về, mấp mé mặt cầu Long Biên, mỗi trận gió to lại dập dềnh tràn qua. Sợ trôi cầu, ngành giao thông đã điều hẳn một đoàn tàu chở toàn đá hộc, ém trên mặt cầu.
Trận lũ lụt 250 năm mới có một lần này đã làm vỡ nhiều đoạn đê của 13 tỉnh thành miền Bắc, khiến khoảng 100 nghìn người chết và cuốn trôi vô vàn nhà cửa, hoa màu, thiệt hại vô cùng lớn.
Trước, người lương thiện ít dám ra đê. Con đê đắp bằng đất, nham nhở cỏ, ngập ngụa rác thải và phân người, phân chó, phân lợn. Mỗi năm, thành phố huy động hàng vạn nhân công lao động công ích, để bồi đắp, vá víu lại những chỗ đê hỏng, bị mối, bị sụt.
Đất trên đê cứ theo mưa tràn xuống phố, các con đường ven đê lúc nào cũng bụi mù, cuốn theo từng đoàn xe tải… Ai có việc qua đây cũng vội vã cho xong để tránh cho xa.
Từ khi có nhà máy Thủy điện Hòa Bình, ngoài đê không còn những trận lụt ghê gớm như trước nữa. Trận lụt cuối cùng xảy ra khoảng năm 1994. Đã dần mọc lên những ngôi nhà cao tầng đẹp và kiên cố ngoài đê. Đã có tên phố, có số nhà, có đèn cao áp.
Dân ngoài đê, những người có tiền vào phố mua nhà, coi như được đổi đời. Người trong phố, người ít tiền lại chọn giải pháp mua nhà ngoài đê cho gần phố cổ, còn chạy chợ kiếm ăn.
Ngoài đê càng thêm đông đúc bởi những người dân từ các tỉnh lẻ đến đây ở trọ. Thuê trọ ngoài đê giá rẻ lại gần, chỉ đi bộ mươi phút là đã vào phố cổ kiếm sống được rồi.
Thường mỗi phòng trọ có khoảng mươi, mười lăm người cùng làng hoặc có quen biết nhau, tránh mất mát. Tất cả đều bám vào phố cổ để sống bằng nhiều nghề: con trai đi đánh giày, bán sách báo, đồ lưu niệm, bán thắt lưng, bật lửa, thuốc dính chuột và đủ thứ lấp lánh rẻ tiền.
Con gái sắm cái xe nôi cũ, chất một đống quần áo hàng chợ xanh đỏ lên. Các bà các chị thì làm gánh quà bún, bánh, khoai, mía gì đó.
Sáng ra, họ tỏa vào trong phố. Đêm, khoảng chín, mười giờ, các xe quần áo trở về đỗ dài cả quãng đường. Thường thì họ về chỗ trọ chỉ để tắm rửa và ngủ, còn ăn uống thì đã tạm bợ đâu đó trong phố rồi.
Các cô làm “nghề ban đêm” lại có lịch hoạt động ngược lại. Tắt mặt trời, các cô như những con bướm sặc sỡ chui ra khỏi kén. Gội đầu, làm móng, tân trang xong, các cô đi. Rất khuya, các hàng bán phở, trứng vịt lộn, gà tần vẫn đợi phục vụ các cô và “vệ sĩ”. Đây là những khách “sộp” của các hàng quán ngoài đê…
Sông Hồng, đoạn qua Thủ đô Hà Nội hôm nay.
Chuyện cũ buồn thảm ở xóm ngoài đê sông Hồng, riêng thế hệ chúng tôi đã kể mãi không hết. Giờ đây, người dân Thủ đô đang náo nức trước “thời cơ vàng” để thay đổi diện mạo hai bờ sông Hồng.
Tản văn của Nhà thơ Chử Thu Hằng