STVN – Lâu nay, nói đến việc dạy và học Piano, cho dù ở cấp độ chuyên nghiệp hay phong trào, nhiều người thường nghĩ đến các trung tâm đào tạo âm nhạc tại các thành phố lớn. Nhưng thời gian gần đây, ở Đắk Lắk nổi lên phong trào học nhạc cụ, mà chủ yếu là Piano. Trong đó, Trung tâm Âm nhạc An Piano là nơi đã phát hiện và đào tạo nhiều tài năng “nhí” trên Tây Nguyên.
Thầy Trương Hữu An thường xuyên mở lớp huấn luyện kĩ năng và phương pháp dạy học Piano cho giáo viên trên Toàn quốc.
Trung tâm Âm nhạc An Piano (18 Bà Triệu, Tp. Buôn Ma Thuột Đắk Lắk), do thầy giáo Nhạc sĩ Trương Hữu An sinh năm 1981 làm Giám đốc. Thầy Trương Hữu An, có bằng Thạc sĩ Lý luận & Phương pháp dạy học âm nhạc; là Hội viên hội Nhạc sĩ Việt Nam, hiện tham gia giảng dạy âm nhạc tại Trường Cao đẳng Sư phạm Đắk Lắk và Trường Đại học Văn Hiến Tp. Hồ Chí Minh.
Trung tâm có 9 giáo viên đều tốt nghiệp ngành học Piano ở Nhạc viện Tp. Hồ Chí Minh, Nhạc viện Huế và là học sinh cũ của thầy Trương Hữu An. Hàng năm, Trung tâm thu hút từ 150-200 học sinh theo học, trong đó khoảng 30% học sinh đến từ các tỉnh Tây Nguyên. Con em đồng bào các dân tộc Tây Nguyên có tố chất âm nhạc rất tốt. Để khuyến khích học sinh phát triển năng khiếu âm nhạc, Trung tâm có chế độ ưu đãi, giảm 30-50% học phí cho những em có hoàn cảnh khó khăn.
Phòng học Piano của Trung tâm được trang bị hiện đại
Cơ sở vật chất của Trung tâm được trang bị hiện đại. Phòng học có 2 đàn Grand piano, 30 piano điện, 10 piano cơ. Có phòng thu âm để thí sinh quay clip mỗi khi hoàn thành bài. Hàng năm, Trung tâm có từ 10-15 học sinh thi đỗ vào ngành Piano của các trường âm nhạc lớn trên toàn Quốc. Nhiều học sinh của Trung tâm đạt giải cao tại các cuộc thi âm nhạc.
Tại cuộc thi Tài năng Miền Trung năm 2019 do Nhạc viện Tp. Hồ Chí Minh phối hợp với tỉnh Khánh Hoà tổ chức, tỉnh Đắk Lắk có 16 giải, thì Trung tâm Âm nhạc An Piano có 9 giải, chủ yếu là giải Nhất, Nhì nhạc cụ Piano. Năm 2020, cuộc thi được tổ chức bằng hình thức online, Trung tâm cũng được nhiều giải thưởng. Tại các giải tìm kiếm tài năng trẻ do các ban ngành tổ chức, Trung tâm đều gửi thí sinh tham gia và luôn đạt quán quân. Điển hình như: em Hoàng Anh, 12 tuổi, ở huyện Krông Nô, tỉnh Đắk Nông; em Quang Nghị, 12 tuổi ở Tp. Buôn Ma Thuột, theo học Trung tâm Âm nhạc An Piano từ năm lên 7 tuổi, được học giáo trình do thầy An biên soạn và hướng dẫn. Hiện, các em có thể chơi được nhiều tác phẩm cổ điển thuộc danh sách 50 bài khó đánh nhất của Pinao cho đến thời điểm hiện tại. Em Đăng Trường đã khẳng định là một Pianist khi theo học thầy Trương Hữu An và em đã thi đỗ vào nhạc viện Tp. Hồ Chí Minh khi đang là học sinh lớp 11.
Thầy Trương Hữu An và thí sinh Hoàng Anh đoạt giải A tại cuộc thi Piano.
Em Quang Nghị Tp.Buôn Ma Thuột đạt giải nhì Piano cuộc thi Tài năng Miền Trung năm 2019, đã chơi được tác phẩm đòi hỏi kỹ thuật cao của Piano.
Hàng năm, dưới sự dẫn dắt của người thầy An, nhiều học sinh đã theo học chuyên nghiệp về Piano. Sau khi tốt nghiệp các Nhạc viện Âm nhạc, các em đã trở về quê hương Đắk Lắk, trở thành giáo viên dạy Piano cho con em đồng bào mình. Điển hình là cô Nguyễn Thị Kim Quý, tốt nghiệp Nhạc viện Tp. Hồ Chí Minh loại xuất sắc, đã về huyện Krông Pắk, tỉnh Đắk Lắk mở Trung tâm âm nhạc Kim Quý. Ban đầu, đã đón 60 học viên từ 5 đến 15 tuổi, tạo điều kiện cho con em đồng bào đam mê bộ môn Piano ở nơi xa trung tâm Thành phố Buôn Ma Thuột được theo học “nhạc cụ Vua” này.
Nghệ sĩ Piano Nguyễn Thị Kim Quý, tốt nghiệp Học viện Âm nhạc Huế loại xuất sắc, về huyện Krong Pắk mở Trung tâm âm nhạc Kim Quý.
Nhạc sĩ Linh Nga Niê Kdam, Trưởng Chi hội Âm nhạc Hội Văn học Nghệ thuật Đắk Lắk chia sẻ, hoạt động của các trung tâm âm nhạc trên địa bàn tỉnh là cách để những giáo viên âm nhạc đóng góp, nuôi dưỡng tâm hồn cho nhiều thế hệ mầm non, truyền được cảm hứng tình yêu âm nhạc, tạo ra một thói quen về việc học nhạc, môn học cũng cần thiết như nhiều môn học khác.
Nhạc sĩ Trương Hữu An tâm sự: Việc đào tạo âm nhạc không chỉ cần đến nghiệp vụ sư phạm, mà phải có sự kiên nhẫn đặc biệt dành cho người học. Bởi với bất cứ môn nhạc cụ nào cũng cần có thời gian luyện tập học hỏi mới có kết quả. Việc học Piano càng đỏi hỏi sự nỗ lực cá nhân của cá người dạy và người học. Bên cạnh sự tâm huyết, giáo viên cần phải rèn luyện kĩ năng hàng ngày để trở thành một Pianist trong mắt học viên và sinh viên. Việc rèn luyện thẩm mỹ âm nhạc, phong cách, phương pháp phải được hướng dẫn cho người học một cách chỉn chu thì từ đó học viên mới phát triển tốt. Người giáo viên dạy Piano phải dạy kỹ lưỡng từ những bài cơ bản nhất, để làm nền móng vững chắc cho người học.
Mặc dù rất bận rộn với công việc giảng dạy Piano, thầy Trương Hữu An còn tham gia tuyển sinh ngành Piano cho học viện âm nhạc Huế. Thường xuyên tổ chức các lớp huấn luyện kĩ năng và phương pháp dạy học Piano cho giáo viên trên toàn Quốc. Thầy là gương mặt quen thuộc trên cương vị ban giám khảo các cuộc thi âm nhạc do tỉnh Đắk Lắk tổ chức và là người tích cực tham gia các hoạt động từ thiện, trong đó nổi bật là Chương trình từ thiện lớn “Dĩa cơm trên tường”, mỗi tháng phát 14.000 suất ăn cho 12 bệnh viện trong tỉnh Đắk Lắk, được Bộ Y tế và UBND, tỉnh Đắk Lắk tặng Bằng khen../.
Tác giả: Xuân Hòa; ảnh: Trần Can