STVN – Đại tá, NSƯT Nguyễn Thị Bích Hạnh (nghệ danh Hồng Hạnh) là một trong những ca sĩ xuất sắc của quân đội nhân dân Việt Nam. Chị là ca sĩ, nghệ sĩ nữ đầu tiên giữ chức vụ Giám đốc Nhà hát Ca múa nhạc Quân đội - đơn vị nghệ thuật lớn nhất của quân đội có lịch sử truyền thống 70 năm với những tên tuổi nghệ sĩ lẫy lừng trong nền âm nhạc cách mạng Việt Nam.
Với bản lĩnh của người lính, trên cương vị Giám đốc của Nhà hát, Đại tá – NSƯT Hồng Hạnh năng động, sáng tạo, đã lãnh đạo Nhà hát vượt qua mọi khó khăn, đặc biệt là khó khăn do đại dịch Covid-19, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, góp phần tô đẹp thêm phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ.
Tiếng hát của người lính và những giải thưởng nghệ thuật danh giá
Trên sân khấu, với chất giọng nữ trung đậm đà màu sắc dân gian, điêu luyện về kỹ thuật và tinh tế trong xử lý tác phẩm, giọng hát của chị luôn được khán giả trong nước và bạn bè quốc tế yêu thích; đặc biệt là cán bộ, chiến sĩ quân đội.
Hình ảnh của người nghệ sĩ, chiến sĩ – Đại tá, NSƯT Hồng Hạnh.
Những bài hát chị biểu diễn luôn mang đến những xúc động và rung cảm đặc biệt trong trái tim người nghe. Năm 1995, ca khúc “Cho con xin câu hát” (Nhạc và lời của Minh Quang) do chị trình bày đoạt Huy chương Vàng Hội diễn chuyên nghiệp Toàn quốc. Năm 2001, Hồng Hạnh hát “Mẹ tôi” của nhạc sĩ An Thuyên, giành Huy chương Vàng tại Cuộc thi “Mùa xuân và người chiến sĩ” do Bộ Quốc phòng tổ chức… Ngoài ra, những bài hát về mẹ khác, như: “Mẹ tôi” của Đoàn Bổng, “Mẹ” của Nguyễn Tiến, “Huyền thoại mẹ” của Trịnh Công Sơn, “Lời ru cỏ non” của Hữu Ước, “Mẹ” của Phan Long… đã gắn liền với thành công và tên tuổi của chị trên sân khấu.
Tiếng hát Hồng Hạnh là tiếng hát của một người lính. Sân khấu biểu diễn của chị ngoài Nhà hát Ca múa nhạc Quân đội và các sàn diễn nghệ thuật lớn còn bay cao trên thao trường, vang vọng nơi núi rừng, đến những làng bản, những đồn biên phòng nơi biên cương, hải đảo xa xôi…Tiếng hát của chị cũng vượt không gian, vươn đến với anh em, bè bạn quốc tế. Năm 2013, Nhà hát có chuyến đi làm nhiệm vụ quốc tế tại Hàn Quốc, với chương trình nghệ thuật mang tên “Nhịp cầu hữu nghị”, được công chúng nước bạn nhiệt liệt hoan nghênh. Trong đêm diễn tại Đài Truyền hình KBS ở Thủ đô Seoul, có sự tham dự của đại diện sứ quán nhiều nước và đông đảo Việt kiều tham dự… Đại diện phía Hàn Quốc đánh giá: “Thật tuyệt vời! Nhà hát Ca múa nhạc Quân đội đã mang đến cho chúng tôi món quà quý giá. Cảm ơn các bạn. Đây chính là biểu hiện sống động cho tình đoàn kết, hữu nghị”. Đặc biệt, vị đại diện cũng ca ngợi Hồng Hạnh đã thể hiện thành công bài “Cô gái trên dòng sông Soyang”- một bài dân ca Hàn Quốc. Với niềm xúc động mãnh liệt sau khi nghe bài hát, vị đại diện thốt lên: “Tôi đã nghe và hát hàng nghìn lần bài “Cô gái trên dòng sông Soyang”, nhưng hôm nay là ngày ca khúc nổi tiếng của chúng tôi được thể hiện hay nhất”. Năm 2010, Hội Nhà văn Việt Nam và gia đình Nhà thơ Tố Hữu tổ chức đêm thơ nhạc “Đẹp vô cùng Tổ quốc ta ơi”, kỉ niệm 90 năm Ngày sinh của Nhà thơ Tố Hữu tại Nhà hát Lớn Hà Nội. Trong chương trình có tiết mục là bài hát “Mưa rơi”- Tác phẩm rất đặc biệt vì nhà thơ Tố Hữu rất ít làm thơ về “cái riêng”. Bài thơ Tố Hữu viết tặng vợ là bà Vũ Thị Thanh, được Nhạc sĩ Trần Hoàn phổ nhạc và nhiều ca sĩ tên tuổi biểu diễn rất hay. Nhưng trong đêm diễn kỉ niệm 90 năm Ngày sinh Nhà thơ Tố Hữu, bà Vũ Thị Thanh muốn ca sĩ biểu diễn thể hiện bài hát này một cách giản dị hơn, đằm thắm hơn, tinh tế hơn. Ban tổ chức sau khi thảo luận đã mời Ca sĩ Hồng Hạnh thể hiện. Và trong đêm diễn, khi tiếng hát nồng nàn, say đắm của chị cất lên, với sự sâu sắc, tinh tế, lắng đọng cùng một cánh áo nâu gợi nhớ về người phụ nữ trong những tháng năm kháng chiến đã mang đến sự xúc động lớn cho người xem, đặc biệt là phu nhân của cố nhà thơ Tố Hữu.
Bản lĩnh của người lính trước khó khăn
Đại tá, NSƯT Hồng Hạnh hướng dẫn các ca sĩ tập luyện chuẩn bị tham gia Liên hoan Tiếng hát Đường 9 Xanh năm 2019.
Từ một diễn viên, trải qua quá trình phấn đấu và rèn luyện NSƯT Hồng Hạnh dần được đề bạt qua nhiều vị trí: Đội trưởng, Phó đoàn trưởng, Phó giám đốc Nhà hát. Từ cuối năm 2018 chị được giao trách nhiệm làm Giám đốc Nhà hát Ca múa nhạc Quân đội. Trên cương vị mới, NSƯT Hồng Hạnh năng động, sáng tạo, đã lãnh đạo Nhà hát vượt qua mọi khó khăn, đặc biệt là khó khăn do đại dịch covid -19, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Tháng 7/2019, kết thúc Chương trình “Liên hoan Tiếng hát đường 9 Xanh” tại Quảng Trị, Giám đốc Nhà hát, Đại tá, NSƯT Hồng Hạnh được nhận giải thưởng Bằng khen Chỉ đạo Nghệ thuật xuất sắc của Hội đồng Nghệ thuật. Năm 2020, chị được tặng Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng về thành tích xuất sắc trong tham mưu chỉ đạo; được Bằng khen của Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch; Bằng khen của Thủ trưởng Bộ Quốc Phòng…
Đại tá, NSƯT Hồng Hạnh – Giám đốc Nhà hát trao thưởng trong Hội nghị Tổng kết.
Đặc biệt, năm 2020, Đại tá, NSƯT Hồng Hạnh vinh dự là một trong năm đại biểu nữ của Quân đội tham gia Đại hội Đảng bộ Quân đội 2020. Năm 2021, Đại tá, NSƯT Hồng Hạnh đạt danh hiệu Chiến sĩ thi đua cấp toàn quân; được Bộ trưởng Bộ Quốc Phòng tặng Bằng khen vì đã có thành tích xuất sắc trong chỉ đạo, tổ chức phục vụ Hội thao Quân sự Quốc tế Army Games 2021; được Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam tặng Kỷ niệm chương “Vì sự phát triển của Phụ nữ Việt Nam” và tặng danh hiệu “Hội viên phụ nữ xuất sắc, tiêu biểu”.
Đại tá, NSƯT Hồng Hạnh (thứ 2 từ phải sang) tại Đại hội thi đua yêu nước Hội LHPN Việt Nam lần thứ IV.
Trong thời điểm phòng, chống dịch Covid-19, thực hiện giãn cách xã hội, không trực tiếp đến các đơn vị biểu diễn, Giám đốc Nhà hát đã kịp thời điều chỉnh kế hoạch, chủ động phối hợp với Đài Truyền hình Việt Nam, các đài địa phương và các phương tiện truyền thông, ghi hình, phát sóng các chương trình phục vụ bộ đội và nhân dân, bảo đảm chất lượng, hiệu quả tốt. Quản lý chặt chẽ hoạt động biểu diễn và tổ chức biểu diễn theo đúng quy chế, quy định của Nhà nước và Quân đội, nhất làbiểu diễn đối ngoại và đi biểu diễn ở nước ngoài.
Phát huy tốt vai trò của cơ quan và hội đồng chuyên môn, lực lượng sáng tác, biên đạo, phối âm, phối khí trong và ngoài đơn vị để bổ sung các tác phẩm mới có chất lượng nghệ thuật cao, xây dựng được nhiều chương trình có quy mô lớn, cấp toàn quân, toàn quốc; tham gia các kỳ liên hoan, hội thi, hội diễn nghệ thuật chuyên nghiệp toàn quân, toàn quốc và các ngày lễ, sự kiện lớn của Đảng, đất nước, Quân đội đều đạt giải cao. Nhờ đó, không ngừng nâng cao chất lượng biểu diễn phục vụ bộ đội và nhân dân, góp phần tuyên truyền, lan tỏa phẩm chất tốt đẹp “Bộ đội Cụ Hồ”, giá trị văn hóa tốt đẹp của dân tộc đến với nhân dân và bạn bè quốc tế.
Đại tá, NSƯT Hồng Hạnh (giữa) và ca sĩ, diễn viên Nhà hát Ca múa nhạc Quân đội giới thiệu đến công chúng MV “Sài Gòn – Hà Nội: Việt Nam mình ơi cố lên!”, cổ vũ tinh thần các lực lượng nơi tuyến đầu chống dịch Covid-19.
Những hoạt động của Nhà hát, tinh thần lao động sáng tạo nghệ thuật của các nghệ sỹ trong Nhà hát, mà “cánh chim đầu đàn” là Đại tá Giám đốc Hồng Hạnh, thực sự rất xứng đáng với sự biểu dương của Tổng cục Chính trị, như những lời biểu dương và chỉ đạo chung lực lượng văn nghệ sỹ Quân đội của Trung tướng Trịnh Văn Quyết, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó chủ nhiệm TCCT: “Cuộc chiến chống đại dịch Covid-19 hiện nay là mặt trận không tiếng súng, nhưng cũng vô cùng nóng bỏng và không kém phần gian nguy. Bằng nỗ lực, quyết tâm cùng tình yêu nghề tha thiết, đội ngũ văn nghệ sĩ quân đội đã có nhiều sáng kiến, giải pháp hiệu quả trong hoạt động sáng tác, biểu diễn nghệ thuật phục vụ bộ đội và nhân dân.”
Những năm qua, Nhà hát Ca múa nhạc Quân đội đã quy tụ được nhiều nghệ sĩ, diễn viên tài năng. Ngoài chính sách thu hút, trọng dụng nhân tài của Bộ Quốc phòng; Đảng ủy, Ban giám đốc đặc biệt là Đại tá, NSƯT Hồng Hạnh, người “chị Cả” của Nhà hát đã có sự quan tâm, chia sẻ, tạo điều kiện thuận lợi trong hoạt động giao lưu, sáng tác, biểu diễn đã tiếp thêm động lực tinh thần cho các nghệ sĩ, ca sĩ, diễn viên, giúp họ phát triển, thăng hoa trên con đường nghệ thuật và từ lâu Nhà hát đã trở thành ngôi nhà chung của đại gia đình anh chị em nghệ sĩ, diễn viên nơi đây. “Đó thực sự là những “hạt giống đỏ” không chỉ góp phần vào sự lớn mạnh, phát triển không ngừng của nhà hát, mà còn là thế hệ tiếp nối xứng đáng sự nghiệp văn hóa nghệ thuật nước nhà trong tương lai”- Đại tá, NSƯT Hồng Hạnh chia sẻ. |
Dưới đây là cảm nhận của một số lãnh đạo, nghệ sĩ, ca sĩ của Nhà hát:
Đại tá, NSƯT Nông Thị Kim, Bí thư Đảng ủy, Chính trị viên: “Đại tá, NSƯT Hồng Hạnh, Giám đốc Nhà hát là một người lãnh đạo bản lĩnh, linh hoạt, sáng tạo, mưu trí và cũng là người sống rất tình cảm; đồng chí luôn sâu sát trên mọi lĩnh vực, quan tâm, động viên, khích lệ kịp thời để mọi người hoàn thành tốt nhiệm vụ”. |
Đại tá, Nhạc sĩ, NSƯT Trần Quốc Đạt, Phó Giám đốc Nhà hát: “Giám đốc, NSƯT Hồng Hạnh tài giỏi, bản lĩnh, luôn là người “thuyền trưởng” vững vàng chèo lái con thuyền Nhà hát vượt qua thử thách”. |
Thiếu tá Phạm Thị Huệ (Chủ tịch Hội Phụ nữ Nhà hát):
“Đại tá, NSƯT Hồng Hạnh là người lãnh đạo rất quan tâm, sát sao với công tác quần chúng của Nhà hát. Đặc biệt, chị là người luôn ghi nhận sự cố gắng của từng cán bộ, nhân viên; luôn động viên, khuyến khích kịp thời và là người luôn “thổi” sự nhiệt huyết và là động lực cho cán bộ, nhân viên hăng say trong công việc. Từ lâu, Nhà hát là nơi cấp trên, cấp dưới, đồng chí, đồng nghiệp hết lòng yêu thương, giúp đỡ, hỗ trợ lẫn nhau trong mọi hoàn cảnh. Không chỉ xuất sắc trong cương vị lãnh đạo, mà chị là người phụ nữ xuất sắc toàn diện; giỏi việc nước, chu toàn việc nhà.” |
Ca sĩ Ngọc Linh: “Chị Hạnh được ví như Bông hồng thép của quân đội, không chỉ có tài chỉ huy, lãnh đạo, mưu trí, linh hoạt mà trong công việc, chị đều dành sự quan tâm, động viên, khích lệ tất cả mọi người. Có lẽ khó tìm thấy một người lãnh đạo tâm lý và sâu sắc như “thuyền trưởng” Hồng Hạnh. Nhà hát có hơn 140 cán bộ diễn viên, nhưng chị chưa bao giờ quên ngày sinh nhật của ai, từ nghệ sĩ, ca sĩ, diễn viên, đến nhân viên hành chính, hậu cần, bảo vệ… Điều đặc biệt, chị còn biết rõ sở thích của từng người và có những món quà riêng hết sức ý nghĩa, tình cảm. Chính cách sống chân tình, ấm áp ấy đã lan tỏa đến tất cả những người nghệ sĩ, ca sĩ, diễn viên khi đến đây; đó cũng chính là cách “chiêu mộ” nhân tài bằng tâm của chị, bằng sự quan tâm, chân thành, ấm áp của chị. Môi trường quân đội không chỉ rèn luyện về bản lĩnh, ý chí, đạo đức, lối sống; mà còn giúp cho các nghệ sĩ “cháy” hết mình với đam mê… Thực tế, các nghệ sĩ, ca sĩ, diễn viên ở đây, họ đã từng có những giải thưởng từ các cuộc thi lớn và khi về Nhà hát, họ vẫn được tỏa sáng và có thêm nhiều phát triển, thành công hơn nữa trên con đường nghệ thuật. Họ vẫn thỏa sức phát triển, thăng hoa trong sự nghiệp và được đông đảo khán giả trong và ngoài quân đội mến mộ…”. |
Ca sĩ, nhạc sĩ Tuấn Ngọc: “Trước khi chính thức đầu quân cho Nhà hát Ca múa nhạc Quân đội, tôi đã có thời gian cộng tác và tiếp xúc với các lãnh đạo Nhà hát và các anh chị nghệ sĩ, diễn viên ở đây. Từ những ngày đầu còn bỡ ngỡ, nhưng nhận được sự quan tâm từ các anh chị nghệ sĩ đi trước chỉ bảo tận tình, đặc biệt là Giám đốc Nhà hát, Đại tá, NSƯT Hồng Hạnh. Tôi đều được nhận những câu hỏi quan tâm: “Em có thích công việc này không”? “Em cảm nhận công việc này như thế nào?”… Và đưa ra những tư vấn, động viên để phát triển tốt nhất khả năng của mình. Giám đốc không chỉ quan tâm đến từng nghệ sĩ, nhân viên mà còn quan tâm đến từng nhân viên hậu cần, bếp núc… Tại Hội thao Quân sự Quốc tế Amy Games 2021, Nhà hát chỉ có hai đầu bếp rất vất vả, NSƯT Hồng Hạnh đã chỉ huy các nghệ sĩ, diễn viên khi kết thúc luyện tập lại bắt tay xuống bếp hỗ trợ nhà bếp… Ở Nhà hát, mọi người đối xử với nhau như những người anh em trong một gia đình; cùng vui chung với thành công của từng đồng chí, đồng nghiệp; cùng hỗ trợ nhau trong công việc và cuộc sống… Có thể nói Giám đốc Hồng Hạnh là người hội tụ đủ tâm – tầm- tài – sắc. Chị không chỉ là người lãnh đạo bản lĩnh, mưu lược, sắc bén; mà còn là người có chuyên môn cao và là người có tâm hồn nghệ sĩ rất đẹp. Cách sống của chị chính là tấm gương mẫu mực cho tất cả các anh chị em nghệ sĩ noi theo…” |
Nhà văn Châu La Việt