STVN – Triển lãm “Nghệ thuật minh họa báo chí xuất bản Việt Nam 2023” tại Nhà triển lãm 16 Ngô Quyền (Hà Nội) do Chi hội Đồ họa 2 (Hội Mỹ thuật Việt Nam) tổ chức diễn ra từ ngày 17-25 tháng 6 năm 2023, giúp công chúng yêu nghệ thuật minh họa báo chí có cơ hội gặp gỡ các họa sĩ vẽ minh họa nổi tiếng mà bấy lâu nay chỉ thấy tác phẩm mà chưa rõ mặt.
Đây là lần thứ ba, triển lãm tranh minh họa báo chí xuất bản được tổ chức (lần đầu năm 2012). Triển lãm giới thiệu tới công chúng hơn 1.000 tác phẩm minh họa xuất sắc của 55 họa sĩ đến từ khối báo chí và xuất bản trên toàn quốc. Triển lãm đợt này hội tụ họa sĩ ba miền Bắc, Trung, Nam là những gương mặt thân quen, những hoạ sĩ xuất sắc đã nhiều năm nay có các tác phẩm xuất hiện thường xuyên trên các trang báo, trang sách xuất bản toàn quốc.
Chia sẻ về triển lãm này, họa sĩ Lê Tiến Vượng, Chi hội trưởng Chi hội Đồ họa 2 cho biết: “Minh họa báo chí là loại nghệ thuật diễn tả ngôn ngữ bằng hình và nét đến với mọi đối tượng, quốc tịch màu da, đó là ngôn ngữ quốc tế không cần phiên dịch. Nhìn hình và nét là công chúng có thể đoán được phần nào nội dung của câu chuyện về điều gì, ở đâu và cho ai… Người họa sĩ minh họa báo chí thường được các ban biên tập lựa chọn từ các họa sĩ có danh, có bản lĩnh, tay nghề vững vàng và đặc biệt là phải có khả năng “phóng tác” tức thì, (vì thời gian sản xuất tờ báo rất nhanh, có tờ ra hàng ngày nên nhiều họa sĩ phải “ngay lập tức” vẽ phóng tác ngay và luôn sau khi nhận được bản thảo tờ báo đặt vẽ)… Do vậy minh họa báo chí là công việc đầy áp lực, nó đòi hỏi người họa sĩ phải nghe nhạc hiệu đoán chương trình” phải “tác phong báo chí” để “ứng tác, phóng tác” những bức họa nhanh nhất, tối giản, ấn tượng nhất phù hợp với nội dung câu chuyện, bài báo và tính chất mỗi tờ báo yêu cầu”.
Bên cạnh đó, Chi hội Đồ họa 2 cũng tổ chức tọa đàm chủ đề về nghệ thuật minh họa báo chí… Đây là dịp để Ban Biên tập các cơ quan báo chí, các đơn vị xuất bản và công chúng hiểu rõ hơn về vai trò của minh họa báo chí cũng như thực trạng chung của minh họa báo chí Việt Nam thời gian qua. Đặc biệt, qua những câu chuyện nghề, những chia sẻ kinh nghiệm vẽ minh họa của các họa sĩ cũng sẽ mang đến những góc nhìn đa chiều về nghệ thuật minh họa của báo chí Việt Nam – một loại hình nghệ thuật đã, đang và vẫn tiếp tục song hành cùng báo chí trong kỷ nguyên số.
Tại tọa đàm, họa sĩ Lê Tiến Vượng – Chi hội trưởng Chi hội Đồ họa 2 (Hội Mỹ thuật Việt Nam) chia sẻ: Minh họa báo chí cũng trải qua nhiều thăng trầm. Những năm 1990 trở về trước, vai trò của người họa sĩ được đề cao rất rõ. Ở chân trang cuối cùng của mỗi tờ báo chỉ có ghi người phụ trách nội dung là tổng biên tập, người phụ trách hình thức mỹ thuật là họa sĩ thiết kế mà thôi. Người họa sĩ có quyền và cùng tổng biên tập quyết định “mỹ thuật” của tờ báo, vì vậy, họa sĩ thiết kế luôn phải mời các họa sĩ vẽ minh họa có danh tiếng để “làm sang” cho tờ báo.
Sau năm 2000, khi kỹ thuật số được cập nhật, các ấn phẩm báo chí, xuất bản nở rộ, cần có nhiều họa sĩ thiết kế và vẽ minh họa. Nhiều họa sĩ danh tiếng đã già, có người đã mất, nhiều tòa soạn phải dùng các kỹ thuật viên tham gia quá trình này. Một số người không học mỹ thuật, chỉ biết vi tính mà đã tham gia thiết kế, thậm chí còn vẽ minh họa khiến chất lượng mỹ thuật và minh họa bị suy giảm đáng kể. Nhiều ban biên tập chỉ coi bộ phận mỹ thuật là “phụ”, xếp sau các ban chuyên môn khác.
Bước sang thế kỷ 21, trước sự chuyển đổi mạnh mẽ của báo chí truyền thông đa phương tiện, nhiều tờ báo in đã phải dừng hoạt động; nhiều tạp chí văn nghệ hoặc tạp chí có trang, chuyên mục văn nghệ… cũng dừng phát hành báo giấy. Do vậy, các chuyên mục cần đến minh họa không còn nhiều. Bên cạnh đó, sự phát triển của các thiết bị chụp ảnh số và tranh vẽ kỹ thuật số cũng đã khiến vai trò vẽ minh họa của giới họa sĩ bị ảnh hưởng. Chỉ những tờ báo “thuần” văn hóa – văn nghệ hay những tờ báo có ra ấn phẩm cuối tuần, cuối tháng, các tạp chí văn nghệ địa phương, các số chuyên đề văn chương là vẫn cần sự song hành của họa sĩ vẽ minh họa.
Có thể nói, câu chuyện nghệ thuật minh họa báo chí đang bước sang giai đoạn mới, với thời cơ và thách thức mới. Thời hoàng kim với báo in đang qua đi, minh họa giờ đây chuyển dần sang các trang báo điện tử, tốc độ vẽ, xử lý cần nhanh, rẻ để thích ứng với các loại hình truyền thông đa phương tiện.
Tuy nhiên, Họa sĩ cũng tin rằng: “Dù cho báo chí truyền thông đa phương tiện phức tạp đến đâu, hiện đại đến đâu thì vẫn cần đôi tay, khối óc người họa sĩ vẽ minh họa nhằm tạo sự độc đáo, khác biệt mà không hệ điều hành hay robot nào có thể thay thế được. Để hấp dẫn, mê hoặc người đọc báo in hay báo mạng, vẫn phải cần “tiếng sét ái tình” từ những hình ảnh, những nét vẽ minh họa đắm say của các họa sĩ tài hoa”.
Dưới đây là một số hình ảnh tại triển lãm: