STVN – Bài viết nghiên cứu bởi Ts. Trịnh Xuân Đức
Tái sử dụng nước thải chăn nuôi là một trong những giải pháp quan trọng để giảm thiểu ô nhiễm môi trường, bảo vệ nguồn nước và phát triển kinh tế tuần hoàn. Theo nghị quyết của chính phủ về khuyến khích phát triển nông nghiệp xanh, nông nghiệp tuần hoàn hay nông nghiệp “zero ô nhiễm”, thì tuần hoàn tái sử dựng nước thải chăn nuôi đang được cơ quan quản lý nhà nước và doanh nghiệp đều quan tâm và mong muốn thực hiện.
Điều này chứng tỏ nhận thực và quyết sách vĩ mô của Đảng và nhà nước là hoàn toàn đúng đắn và hợp lòng dân. Tuy nhiên, khi thực thi các công việc này thì cả khối quản lý nhà nước đều lúng túng, còn doanh nghiệp thì như đi vào “đường cụt” không biết thực hiện thế nào. Vậy nguyên nhân từ đâu? Thực trạng hiện trạng hiện nay là mỗi cơ quan quản lý lại giải thích theo mỗi cách khác nhau, thậm chí một số trường hợp còn hướng dẫn chưa đúng cho doanh nghiệp và địa phương dẫn đến việc tốn kém tiền của doanh nghiệp và các thủ tục xin cấp phép rất mất thời gian, phức tạp.
Theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường năm 2020, nước thải chăn nuôi phải được xử lý đạt quy chuẩn kỹ thuật quốc gia QCVN 62-MT:2016/BTNMT trước khi xả thải ra môi trường. Tuy nhiên, hiện nay, hầu hết các tỉnh, thành phố đều yêu cầu các chủ đầu tư trang trại chăn nuôi phải tái sử dụng nước thải thay vì xả thải. Việc tái sử dụng nước thải chăn nuôi là một giải pháp hiệu quả để giảm thiểu ô nhiễm môi trường, đồng thời tiết kiệm nguồn tài nguyên nước. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai, việc tái sử dụng nước thải chăn nuôi cũng gặp phải một số bất cập, cụ thể như sau:
Hướng dẫn tái sử dụng nước thải chưa thống nhất
Trên thực tế, việc tái sử dụng nước thải chăn nuôi được hướng dẫn theo nhiều cách khác nhau, tùy theo từng địa phương. Một số địa phương yêu cầu các chủ đầu tư phải trồng thêm cây để có chỗ tưới cho hết nước thải đã qua xử lý, dẫn đến việc nhà đầu tư phải mua thêm đất trồng cây với diện tích bằng thậm chí còn lớn hơn diện tích làm trang trại. Một số địa phương khác lại cho phép các chủ đầu tư sử dụng nước thải đã qua xử lý để tưới cây, nhưng không được mang ra ngoài.
Việc hướng dẫn tái sử dụng nước thải chưa thống nhất gây khó khăn cho các chủ đầu tư trong việc lập báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM).
Nhà đầu tư không có kinh nghiệm trong lĩnh vực trồng trọt
Hầu hết các chủ đầu tư trang trại chăn nuôi đều có kinh nghiệm và kỹ thuật trong lĩnh vực chăn nuôi, nhưng lại không có kinh nghiệm trong lĩnh vực trồng trọt. Việc yêu cầu các chủ đầu tư phải trồng thêm cây để tái sử dụng nước thải là một yêu cầu không phù hợp, gây khó khăn cho doanh nghiệp.
Lượng nước thải dư thừa trong mùa mưa
Khi mùa mưa đến, nhu cầu tưới cây giảm xuống. Tuy nhiên, các chủ đầu tư vẫn phải xử lý và lưu trữ nước thải đã qua xử lý. Nếu không có biện pháp xử lý phù hợp, lượng nước dư thừa này có thể bị xả thải ra môi trường, gây ô nhiễm.
Việc tái sử dụng nước thải không đảm bảo quy định của pháp luật
Theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường năm 2020, nước thải chăn nuôi phải được xử lý đạt quy chuẩn kỹ thuật quốc gia QCVN 62-MT:2016/BTNMT trước khi xả thải ra môi trường. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, nước thải chăn nuôi đã cơ bản đảm bảo quy chuẩn QCVN 1-195 của Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn ngay cả khi chưa qua xử lý. Việc cho phép các chủ đầu tư tái sử dụng nước thải chăn nuôi mà không xử lý là sai với quy định của Luật, mà quy chuẩn thì thấp hơn Luật, do đó việc TSD trên là vi phạm quy định của pháp luật.
Nguy cơ ô nhiễm môi trường
Việc tái sử dụng nước thải chăn nuôi để tưới cây trồng chỉ cần xử lý đảm bảo quy chuẩn QCVN 1-195 thì các chất nhiễm có trong nước thải vẫn còn nguyên, điều này có nguy cơ làm ô nhiễm môi trường đất, ô nhiễm nước mưa chảy tràn.
(Còn tiếp…)