LĐST – Thời gian gần đây rộ lên phong trào chơi lan đột biến với những vụ mua bán bạc tỉ, những vụ lừa đảo và sự rớt giá thảm hại của lan đột biến khiến nhiều gia đình điêu đứng. Vậy, giá trị thực của lan đột biến ra sao?
Thực hư về những lời đồn đoán của lan đột biến như thế nào? Để làm sáng tỏ những vấn đề này, PV Tạp chí Lao động và Sáng tạo có cuộc phỏng vấn GS.TSKH Trần Duy Quý – nguyên Viện trưởng Viện Di truyền Nông nghiệp, Chủ tịch Hội lan Hà Nội về lan đột biến.
GS.TSKH Trần Duy Quý, Chủ tịch Hội lan Hà Nội (ảnh: internet).
PV: Thưa Giáo sư, được biết, GS là nhà khoa học đã nghiên cứu về hoa lan hơn 30 năm. Gần đây, rộ lên phong trào chơi lan đột biến. GS có thể giới thiệu đôi nét về dòng lan này?
GS.TSKH Trần Duy Qúy:.
Thú chơi hoa lan là thú chơi tao nhã của cha ông ta để lại từ thời Trần, thậm chí trước đó. Cho đến nay được lưu truyền trong dân gian trở thành thú chơi đặc biệt của người dân Việt Nam.
Trong thời gian gần đây, rộ lên phong trào chơi Lan đột biến. Đột biến là một hiện tượng xảy ra trong tự nhiên, đối với tất cả các loài sinh vật từ động vật, thực vật, vi sinh vật, thậm chí đối với cả con người.
Đa phần các đột biến xảy ra là có hại; nhưng trong số đó cũng có có đột biến rất có lợi, mang đặc tính ưu việt, để cho loài đó thích ứng hơn, phát triển tốt hơn, sinh sản khỏe hơn để phát tán trong tự nhiên.
Và cũng có loài đột biến rất có lợi với mục đích sử dụng của con người. Lan đột biến cũng vậy, cũng có loại đẹp và loại xấu. Nhưng người ta chọn lọc lấy loại đẹp để chơi.
Lâu nay, các anh em trong giới chơi Lan thấy những loài Lan đột biến đó đẹp độc dị thì thu về để lưu giữ, sưu tầm…và nó phát triển thành một loài mới.
Ví dụ như Lan Hải trắng hay Hải hồng cũng là loại đặc hữu bản địa của Việt Nam, sau này được sách đỏ lưu giữ.
Lan đột biến là những dấu hiệu nhìn thấy được về hình thái bên ngoài về màu sắc, cấu trúc của cánh đài, cánh môi (đặc biệt là cánh môi) là có màu sắc sặc sỡ; mắt mũi hoa (cựa của hoa) rõ ràng, đâu ra đấy; vai ngang, cánh bầu và năm cánh trắng là anh em chơi lan thích nhất và năm cánh hồng cũng được ưu ái không kém.
Sở thích chơi lan cũng theo từng thời điểm. Ngày xưa, với dòng lan Năm cánh trắng rất nhiều người ưa chuộng.
Trong năm cánh trắng cũng chia ra làm nhiều thang bậc; ngày xưa đã từng làm mưa làm gió một thời như: Năm cánh trắng Thực Hà (của vợ chồng anh Thực Hà ở Đông La), hay Năm cánh trắng của anh Quân ở Hà Đông.
Nhưng dần dần, cũng chỉ là Năm cánh trắng đơn thuần. Sau này có Năm cánh trắng môi hồng, môi xanh, môi đỏ hay có cánh môi tuyết, mắt xước… Hiện nay có Năm cánh trắng Bảo Duy, năm cánh trắng Ngọc Sơn Cước, năm cánh trắng đôi mắt Pleiku, năm cánh trắng Đại Cát, Năm cánh trắng Vĩnh Khang … là đắt đỏ nhất. Nó đẹp ở khuôn thước, màu sắc, kiểu dáng, bông cân đối, hài hòa, hương thơm quyến rũ…
GS.TSKH Trần Duy Qúy tại Triển lãm hoa lan toàn quốc.
PV: Thưa Giáo sư, có những loại lan nào được ưa chuộng hiện nay? Có nhiều người cho rằng: Có một số nhóm người đã thổi giá Lan đột biến có giá trên trời?
GS.TSKH Trần Duy Qúy:.
Hiện này có một số loài lan rất quý hiếm mà nhiều người lại đều mong muốn sở hữu nên giá thành tự dưng bị đẩy lên cao, vượt quá giá trị thật sự của nó.
Bất kể một thị trường nào, khi nhiều người đổ xô muốn sở hữu nhưng nguồn cung có hạn thì giá thành đều vọt lên là chuyện dễ hiểu.
Cứ khi xuất hiện một loại lan kiểu mới hay đột biến đẹp, độc, lạ là tất cả các anh em nhà vườn đều đổ xô tìm đến muốn sở hữu.
Nhưng sau đó, số lượng nhân giống càng nhiều, lại rẻ đi. Như Năm cánh trắng Anh Quân cách đây 10 năm có giá 4 triệu đồng/kie, nhưng giờ chỉ còn 200 nghìn đồng/kie.
Có nhiều chậu lan trước đây giá 40,50 triệu đồng nhưng giờ chỉ có 5 triệu đồng/kie. Năm cánh trắng Bảo Duy, mới vừa cách đây không lâu có giá 1 tỷ đồng/kie; nhưng có thể 10 năm nữa chỉ có giá 1 triệu đồng/kie. Vì qua thời gian, lại xuất hiện giống lan đột biến độc lạ mới xuất hiện.
Tôi đã có dịp sang Trung Quốc và tiếp xúc với một ông Chủ tịch Hội lan của tỉnh Vân Nam. Khi ông ấy bán đấu giá chậu địa lan xuân đột biến, có 3 lưỡi đột biến, lưỡi vằn như con hổ.
Bình thường hoa Lan đột biến chỉ có 1 lưỡi thôi, nhưng chậu địa lan này tới 3 lưỡi đột biến, vô cùng quý. Chậu địa lan ấy vẻn vẹn chỉ có ba thân và 1 cành với 8 bông hoa nhưng trị giá 800 vạn Nhân dân tệ (khoảng 240 tỷ đồng bấy giờ).
Hiện nay, có thể chia làm 3 cấp lan: Loại quốc dân là ai cũng chơi được; loại quý hiếm và loại cực quý hiếm.
Loại quốc dân cũng rất quý, nhưng đã ra đời cách đây nửa thế kỷ như: Năm cánh trắng Phú Thọ, Năm cánh trắng Hiển Oanh (HO); Năm cánh trắng Hà Tĩnh, Năm cánh trắng Củ Chi… Về hồng có: hồng Yên Thủy, hồng Xòe hồng Sơn La, hồng Minh Châu…
Loại quý hiếm hiện nay: Năm cánh trắng Bạch Tuyết; Năm cánh trắng Bảo Duy; Ngọc nữ Sơn La; Người đẹp Bình Dương, Người đẹp không tên; Vĩnh Khang… Về hồng có: hồng Á hậu; hồng Phù Hoa; hồng Trương Chi, hồng Bồng Lai….
Nhóm cao cấp: Năm cánh trắng Ngọc Sơn Cước; Năm cánh trắng đôi mắt Pleiku; Năm cánh trắng Đại Cát; Năm cánh trắng Long Khánh; Năm cánh trắng người đẹp Kinh Bắc… Về hồng có: Tuyết đỉnh hồng; hồng Đại Phát; hồng Cao Bằng…
Giá cả hiện nay, đang thời “đáy” do dịch bệnh: Loại quốc dân: Năm cánh trắng Phú Thọ: 1-2 triệu đồng/kie (4-5cm); Năm cánh trắng Hiển Oanh (HO): 3-5 triệu đồng/kie; Về hồng 5-10 triệu đồng/kie.
Loại quý hiếm (cấp giữa): 30-50 triệu đồng /kie; loại Bạch Tuyết: 75-150 triệu đồng/kie; loại Bảo Duy: 3500-450 triệu đồng/kie…Loại cực quý hiếm (cao cấp) có giá 1-5 tỷ đồng/kie… Thời đỉnh điểm thì giá nhân gấp 10 lần.
GS. TSKH Trần Duy Qúy đang chăm sóc và ươm trồng hàng trăm loại lan quý hiếm
trên tầng thượng (ảnh: internet)
PV: Có ý kiến trái chiều, hiện nay Trung Quốc đang nhân mô những loài Lan đột biến giống ở Việt Nam và đánh sang Việt Nam hàng chục container? Bên cạnh đó còn có việc mua bán lừa đảo?
GS.TSKH Trần Duy Qúy:
Tin đồn Trung Quốc nhân mô hàng loạt Lan đột biến là điều không bao giờ có.
Về mặt nguyên tắc, tất cả các cây trồng hay cây thực vật nào đều có thể nhân mô, cấy mô từ đỉnh sinh trưởng của nó; hoặc từ mẩu lá khó hơn và ở rễ lại càng khó.
Thường từ chồi đỉnh sinh trưởng từ thân, ngọn, chồi nách…là dễ nhất.
Phổ thông người ta dùng những loại Lan thông dụng để nhân và phát triển thành một ngành công nghiệp như Hoa lan Hoàng Thảo; người ta nhân ra bạt ngàn, trồng ở các trang trại để phục vụ lễ hội, ngày lễ Tết, xuất khẩu sang các nước.
Ngoài ra còn có Lan Hồ Điệp, Lan Vũ nữ…của Đài, Thái, Trung Quốc…cũng nhân mô rất dễ, vì người ta đã nghiên cứu 20 năm nay rồi. Nhưng đối với Lan đột biến thì việc nhân mô hàng loạt là một vấn đề vô cùng khó!
Nhân Lan đột biến bằng mô thì Trung Quốc vẫn chưa làm được mà vẫn phải tách nhánh truyền thống.
Một ví dụ khác, như Lan Hoàng Vũ và Lan Thanh Ngọc của Việt Nam mà Trung Quốc rất mê, sang mua hàng tấn để hy vọng về nhân giống bằng mô thì lan Thanh Ngọc nhân được và đã tràn ngập sang thị trường Việt Nam hiện nay.
Tuy nhiên, Lan Thanh Ngọc Trung Quốc nhân bằng mô bán sang Việt Nam nhưng bị mất mùi thơm, giá thành rất rẻ, chỉ 200-300 nghìn/ chậu, trong khi đó lan Thanh ngọc Cổ của Việt nam vẫn có giá 5-7 triệu/ chậu.
Với Lan Hoàng Vũ thì không nhân được bằng mô chỉ có thể nhân bằng tách chồi (nhánh).
Với Lan đột biến là loài cực kỳ quý hiếm. Về mặt lý thuyết, người ta có thể nhân mô được, nhưng vì nó quá đắt, tỷ lệ thành công vô cùng thấp.
Không ai người ta dùng 10 mắt ngủ của Lan Bảo Duy trị giá hàng chục tỷ đồng để xử lý bằng clorua thủy ngân và đưa vào môi trường nuôi cấy.
Sau ba năm, có thể nhân được vài nghìn cây và đưa ra trồng nhưng việc nuôi trồng cực kỳ khó.
Về mặt hình thái cây có thể giống Lan bố mẹ, nhưng khi chăm sóc, nuôi trồng để ra được hoa đúng như đặc điểm hoa của cây bố mẹ thì không hề dễ dàng.
Mà người chơi lan đòi hỏi cá thể nuôi cấy mô phải cho ra hoa giống y như màu của bố mẹ chúng.
Nhưng các phyto hooc môn đã làm ảnh hưởng rất lớn đến quá trình sinh trưởng và phát triển của hoa Lan đột biến bằng nuôi cấy mô.
Vì thế rất khó thu được lan nuôi cấy mô nở hoa giống như cây bố mẹ. Như vậy việc nhân mô lan đột biến hàng loạt thực tế Trung Quốc cũng chưa làm được.
Ngay ở Việt Nam, những Viện Sinh học Nông nghiệp, Viện Di truyền Nông nghiệp, Viện Sinh học nhiệt đới Tp. Hồ Chí Minh, Viện rau hoa quả… cũng không dám ký hợp đồng nhân các loại Lan Bảo Duy, Đại cát, Ngọc Sơn Cước… Vì số tiền bỏ ra quá lớn, hàng chục tỷ để mua 10cm có 10 mắt ngủ.
Khi xử lý bằng clorua thủy ngân hoàn toàn có thể chết hết. Có người nói từ một mầm Bướm Đại Ngàn có thể nhân ra hàng vạn cây bằng nuôi cấy mô thì đó là lý thuyết, còn thực tế còn rất xa vời.
Thị trường Lan đột biến mới mẻ và hấp dẫn, nên nó cũng kéo theo những hiện tượng ăn theo, lợi dụng, thậm chí lừa đảo, làm cho không ít người hoang mang.
Chính những cái đó đã phá vỡ thị thường vốn dĩ tốt đẹp của lan đột biến. ảnh hưởng đến uy tín của những anh em chơi lan chân chính.
Chính vì vậy, có nhiều thông tin thất thiệt, chúng ta nên sáng suốt, chọn lọc, tránh làm phương hại đến các nhà vườn, các công ty kinh doanh lan và thú chơi lan trong tình hình mở cửa.
PV: Hiện nay, Lan đột biến giảm giá rất mạnh. Xin GS.TSKH cho biết nguyên nhân?
GS.TSKH Trần Duy Qúy:
Hiện nay, tình hình dịch bệnh Covid-19, khiến không ít ngành nghề bị ảnh hưởng.
Đối với thị trường lan đột biến cũng không ngoại lệ. Dịch bệnh không đi lại, không giao dịch, không vận chuyển được, mọi thứ bị ngưng hết, giá thành Lan đột biến bị giảm 5,7 thậm chí 10 lần so với trước.
Như Lan Ngọc Sơn Cước, dài 1,1m trước đây đỉnh điểm có giá 250 tỷ, nhưng giờ còn có 25 tỷ thôi.
Tuy nhiên, thời điểm dịch bệnh này, nó lại trở về giá trị thực của nó. Như vậy, người kinh doanh lan bán vẫn có lãi.
PV: Giáo Sư có lời khuyên gì với những người mới bước vào thị trường lan đột biến?
GS.TSKH Trần Duy Qúy:
Quan điểm của tôi là làm gì cũng phải có đam mê và có kiến thức nhất định.
Với những người ít am hiểu về lan, không thạo kỹ thuật thì không nên mua bán lan đột biến theo cảm tính vì việc này luôn tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ rủi ro và việc chăm sóc, nhân giống các loại lan đột biến khó hơn các giống lan thông thường vì bản thân lan đột biến yếu, chăm sóc đòi hỏi kỹ thuật cao.
Vì vậy, trước hết, cần phải có kiến thức kỹ thuật trồng lan cơ bản trước, đối với lan đột biến thì kỹ thuật cần đòi hỏi cao hơn.
Với mỗi loại lan đột biến, cần tìm hiểu cặn kẽ xuất phát giống lan đó bắt nguồn từ đâu, có những vị trí địa lý, khí hậu, nhiệt độ, ánh sáng như thế nào để có chế độ chăm sóc cho phù hợp.
Và một điều nữa, những người mua lan đột biến, vì nó rất quý hiếm, nên người ta cắt cho một đoạn kie rất nhỏ, dinh dưỡng ít nên rất khó chăm.
Tôi là người chơi lan và thích lan hơn 30 năm nay rồi mà lan cũng chết khá nhiều, huống hồ là những anh mới nhảy vào, chưa biết gì về kỹ thuật, phải trả giá rất đắt.
Như cây hồng xòe xanh, trước tôi mua 25 triệu đồng/cm; sau 1 năm lên 80cm, người ta trả 700 triệu không bán, hy vọng nhân lên cũng kiếm được đôi tỷ.
Nhưng chỉ sơ ý mấy ngày hè không làm mát được là bị chết luôn.
GS.TSKH Trần Duy Qúy có một phòng thí nghiệm, nơi nuôi cấy những giống
lan thảo mộc làm thuốc (ảnh: internet)
PV: Giáo sư có suy nghĩ gì về hướng phát triển của Lan đột biến?
GS.TSKH Trần Duy Qúy:
Đất nước ta 3/4 là rừng núi. Chúng ta có khoảng 1.110 loài hoa lan; trong đó có hàng vạn dạng lan khác nhau về mặt sinh thái, giống nông nghiệp.
Theo thống kê chưa đầy đủ, đến nay cả nước có trên 500.000 nhà vườn, nhà sưu tầm, nuôi trồng và làm dịch vụ hoa lan với các quy mô khác nhau.
Trong đó, những nhà vườn lan VAR đã đi đầu trong ứng dụng khoa học công nghệ 4.0 và bước đầu xuất hiện nhiều mô hình phát triển hoa lan trên giàn mái, vườn treo sân thượng vừa không tốn diện tích, vừa là giải pháp giảm hiệu ứng nhà kính ở đô thị.
Đặc biệt, đã góp phần ứng phó với biến đổi khí hậu. Chúng ta cần khai thác các nguồn gen, giống lan để bảo tồn cho đất nước.
Hiện nay thị trường có rất nhiều loại lan đột biến quý hiếm như: Năm cánh trắng Bảo Duy, Năm cánh trắng Huyền thoại Bướm đại ngàn, Năm cánh trắng Người đẹp không tên, Năm cánh trắng Bình Dương, Năm cánh trắng Bạch Tuyết, Năm cánh trắng Ngọc nữ Tây Nguyên, năm cánh trắng Ngọc Sơn Cước, Năm cánh trắng Vĩnh Khang, Năm cánh trắng Long Khánh… Đó là những loại Lan tuyệt vời, là nguồn gen rất quý hiếm mà thiên nhiên đã ban tặng cho Việt Nam.
Hiện nay, các nhà sưu tầm, những anh em thích chơi Lan đang lưu giữ ở các vườn khắp từ Bắc chí Nam và đang nhân nó lên bằng nhân kie truyền thống.
Những nhà vườn lan ở nước ta có thể kiếm tới vài triệu USD/năm. Chúng ta không còn xa lạ với vườn lan triệu đô giữa ngay lòng Hà Nội.
Đây là thị trường mới nổi, đã được Nhà nước công nhận ngành hoa cây cảnh là một trong bẩy ngành chính trong ngành nghề phát triển Nông thôn Việt Nam.
Cho nên, việc nhân các dòng đột biến, thu gom, bảo tồn các loài hoa lan đột biến trước hết là cung cấp cho những người yêu lan trong nước, làm kinh tế, sau là hướng đến thị trường xuất khẩu lan đột biến.
GS.TSKH Trần Duy Quý là “cha đẻ”của 27 giống lúa cùng nhiều giống đậu tương và hoa. Giống lúa DT10 của ông và công sự đã được phổ biến sang hàng chục nước trên thế giới với diện tích hàng vài chục triệu ha. Ông được 4 giải thưởng VIFOTEX về KHCN, 1 giải thưởng nhà nước về lúa lai (2005) và nhiều giải thưởng trong nước và Quốc tế. Năm 2002, Viện danh nhân Thế giới của Hoa Kỳ bình chọn ông là 1 trong 1.000 nhà khoa học có ảnh hưởng đến Thế giới. |
Trang Nhung (Thực hiện)