STVN – Tiến sĩ Trịnh Xuân Đức là một doanh nhân thành công, đồng thời cũng là một nhà khoa học có nhiều đóng góp cho sự phát triển của ngành khoa học và công nghệ Việt Nam. Ông đã có nhiều đề tài nghiên cứu có ích cho xã hội, đặc biệt là các đề tài liên quan đến sức khỏe con người như nước năng lượng sống NeroH, Vitamin không khí – Ion âm Dr.D, Nước rửa rau củ quả Anolyte trung tính A7, các dòng sản phẩm tẩy rửa công nghệ Enzyme sinh học. Trong bài phỏng vấn nhân kỷ niệm Ngày Doanh nhân Việt Nam 13/10/2023, Tiến sĩ Trịnh Xuân Đức đã chia sẻ về niềm đam mê khoa học và những ý tưởng sáng tạo của ông trong thời gian tới. Bài phỏng vấn do Như Phương thực hiện.
Như Phương:
Thưa ông, ông có thể cho chúng tôi biết về lý do gì đã khiến ông quyết định từ bỏ công việc kinh doanh thành công để chuyển sang đầu tư vào các dự án nghiên cứu khoa học không?
TS. Trịnh Xuân Đức
Tiến sĩ Trịnh Xuân Đức:
Tôi đã dành hơn 30 năm trong lĩnh vực kinh doanh và đã đạt được một số thành tựu đáng kể trong việc xử lý nước sạch và nước thải. Nhờ vào hoạt động kinh doanh liên quan đến môi trường, tôi có cơ hội đi khắp cả nước và tiếp xúc với nhiều khía cạnh khác nhau của cuộc sống. Điều này đã giúp tôi thu thập nhiều thông tin và ý tưởng hữu ích, nhưng do áp lực công việc kinh doanh, tôi không có đủ thời gian để thực hiện chúng.
Sự thay đổi lớn trong sự nghiệp của tôi xảy ra vào năm 2015, khi tôi đang làm nghiên cứu sinh tại Viện Công nghệ Môi trường thuộc Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam. Tại đây, tôi được học hỏi và trao đổi kiến thức với nhiều tiến sĩ và giáo sư có uy tín trong và ngoài nước. Tôi cũng có cơ hội tiếp cận nhiều dự án nghiên cứu khoa học ở nhiều lĩnh vực khác nhau. Đặc biệt, sự hỗ trợ và động viên từ các giáo sư tiến sĩ như Giáo sư Trần Đức Hạ và Giáo sư khoa học Ngô Quốc Bưu đã trở thành nguồn động viên quan trọng, là tấm gương sáng cho tôi thêm chỉ dẫn để đi trên con đường nghiên cứu khoa học.
Sau khi tốt nghiệp và đạt học vị tiến sĩ, tôi được giới thiệu đến với Tiến sĩ Nguyễn Văn Túc và Giáo sư Tiến sĩ Nguyễn Hoài Châu. Điều này đã mở đường cho tôi cơ hội được bổ nhiệm làm Viện trưởng Viện Khoa học Hạ tầng Kỹ thuật và Môi trường (SIIEE).
Nhìn lại, sau hơn 8 năm theo đuổi con đường nghiên cứu khoa học, tôi đã đóng góp một phần không nhỏ cho lĩnh vực môi trường, đặc biệt là trong việc xử lý nước sạch và nước thải. Tôi cam kết tiếp tục công việc này suốt đời, với hi vọng rằng đóng góp của tôi có thể giúp bảo vệ môi trường và sức khỏe của cộng đồng.
Như Phương:
Ông đã từng là một doanh nhân thành đạt và hiện nay, ông đã trở thành một nhà khoa học với nhiều nghiên cứu thành công. Ông có thể chia sẻ về sự khác biệt ở hai vị trí này không ạ?
Tiến sĩ Trịnh Xuân Đức:
Tôi đã từng đứng đầu một hệ sinh thái doanh nghiệp, nơi công việc luôn sôi động với các chuyến bay khắp cả nước, ngày ngày tôi dấn thân vào khảo sát từ trên rừng xuống biển, từ nông thôn đến thành thị. Tôi phải quản lý nghìn việc, đảm bảo cơm áo gạo tiền cho hàng trăm cán bộ công nhân viên, và tham gia vào các bữa tiệc tiếp khách và hội thảo không ngừng nghỉ.
Bây giờ, với tư cách là một nhà khoa học, tôi có cơ hội “ngồi thiền” tại văn phòng, di chuyển ít hơn, không phải tham gia vào những buổi tiệc tùng, ít áp lực về tài chính, cơm áo. Tôi dành phần lớn thời gian của ngày để tập trung vào tư duy nghiên cứu và học hỏi kiến thức mới. Tuy nhiên, mỗi khi nghiên cứu sâu hơn, tôi càng nhận ra mình còn nhiều điều chưa biết và yếu hơn trong nhiều lĩnh vực. Nó giống như một hiệu ứng cứ lôi kéo người nghiên cứu từ lĩnh vực này sang lĩnh vực khác mà không bao giờ dừng lại.
Doanh nhân giống như một cơn gió trong không trung, luôn bận rộn, liên tục di chuyển và đối mặt với nhiều áp lực công việc, nhưng họ cũng mang lại nhiều giá trị vật chất cho xã hội.
Trong khi đó, nhà khoa học giống như lòng đất sâu lắng, đòi hỏi thời gian và kiên nhẫn để khám phá, nhưng họ mang lại những giá trị tinh thần vô giá cho nhân loại.
Tất nhiên, điều này chỉ là một so sánh tương đối. Trên thực tế, có nhiều doanh nhân cũng là nhà khoa học và ngược lại. Họ là những phần quan trọng trong cuộc sống và sự phát triển của xã hội loài người.
Như Phương:
Thưa tiến sĩ Trịnh Xuân Đức, chúng tôi đã biết rằng quý vị vừa đạt giải nhì trong lĩnh vực “Sáng tạo khoa học và công nghệ Việt Nam (WIPO 2022)”. Xin cho chúng tôi biết thêm về quá trình nghiên cứu cũng như sản phẩm mà quý vị đã đạt được giải thưởng này.
Tiến sĩ Trịnh Xuân Đức:
Đúng như PV đã đề cập, đây là một giải thưởng rất quý báu mà nhóm nghiên cứu tại viện của chúng tôi đã nhận được. Tôi có vinh dự được làm Chủ nhiệm dự án, cùng với sự hỗ trợ của thạc sĩ Lê Anh Tuấn. Đề tài mà chúng tôi đã thực hiện mang tên “Nghiên cứu và chế tạo modul xử lý nước thải dựa trên nguyên tắc ‘Plug and Play’ – hay còn gọi là DVIS.”
Dự án này đã được tiến hành từ năm 2017 và hoàn thành vào năm 2020. Sau đó, chúng tôi đã triển khai ứng dụng nó vào thực tế tại nhiều hệ thống xử lý nước thải trong các lĩnh vực như khu đô thị, khách sạn, nhà hàng, bệnh viện, nhà máy, khu công nghiệp, và khu du lịch. Chúng tôi đã nộp hồ sơ tham gia giải thưởng vào năm 2022 và rất vui mừng khi được đề cử và đoạt giải Nhì trong hạng mục sản phẩm công nghệ môi trường “Sáng tạo khoa học và công nghệ Việt Nam”.
Vào ngày 30 tháng 5 năm 2023, tại Nhà hát lớn Hà Nội, tôi cùng đồng đội của mình đã lên bục danh dự để nhận bằng lao động sáng tạo và bằng khen của nhà nước về thành tựu và đóng góp của sản phẩm DVIS.
Tôi muốn nhấn mạnh thêm rằng DVIS là một thiết bị xử lý nước thải tiên tiến, có nhiều ưu điểm vượt trội so với các công nghệ xử lý nước thải truyền thống. Cụ thể, DVIS có những ưu điểm sau đây:
- Khả năng xử lý nước thải hiệu quả: DVIS có khả năng xử lý nhiều loại nước thải khác nhau, bao gồm nước thải sinh hoạt, nước thải công nghiệp, và nước thải y tế.
- Chi phí vận hành thấp: DVIS có chi phí vận hành thấp hơn so với các công nghệ xử lý nước thải truyền thống.
- Dễ dàng vận hành và lắp đặt: Thiết kế đơn giản của DVIS giúp việc vận hành và lắp đặt trở nên dễ dàng hơn.
Sản phẩm DVIS không chỉ mang lại lợi ích về môi trường mà còn giúp tiết kiệm chi phí và tối ưu hóa quá trình xử lý nước thải. Chúng tôi tự hào về thành tựu này và sẵn sàng để sản phẩm này tiếp tục phát triển và đóng góp vào sự phát triển bền vững của Việt Nam.
Tiến sĩ Trịnh Xuân Đức và cộng sự tại lễ trao giải Nhì WIPO 2022
Bằng khen do Chủ tịch Hội đồng Trung ương khen tặng
Như Phương:
Ngoài sản phẩm thiết bị xử lý nước thải DVIS, ông còn tâm đắc với các nghiên cứu nào khác không? Ông có thể chia sẻ về các nghiên cứu của mình?
Tiến sĩ Trịnh Xuân Đức:
Sản phẩm xử lý nước thải DVIS phục vụ cho công tác bảo vệ môi trường chỉ là một trong số rất nhiều các đề tài mà Viện chúng tôi đang thực hiện.
Đề tài mà tôi tâm huyết nhất chính là việc xây dựng một mô hình bảo vệ sức khỏe cho người dân Việt Nam. Đó là mô hình 5C+ có nghĩa là 5 điều cần thiết cho một gia đình hiện đại.
Đề tài này chúng tôi tham vọng một mục tiêu cực kỳ to lớn theo chỉ thị của Bộ Chính trị và Trung ương Đảng thông qua về việc nâng cao thể lực và trí lực cho người Việt đến năm 2045.
Triển khai đề tài theo ý trí của lãnh đạo Đảng và Nhà nước, viện chúng tôi quyết định lựa chọn các vấn đề nền tảng cho việc nâng cao thể lực và trí lực đó là:
(1) Nghiên cứu tạo ra một loại nước uống tốt nhất cho cơ thể ở cấp tế bào mang tên nước năng lượng sống “NeroH” với cấu trúc các phân tử nước hình lục giác chiếm đến 60% trong nước uống.
(2) Nghiên cứu chế tạo thiết bị tạo Vitamin không khí – Ion âm Dr.D sử dụng công nghệ plasmacluster để tạo ra một lượng ion âm (OH–) rất lớn, lên đến 100 triệu ion/cm3. Chúng tôi đã sáng chế ra khẩu trang điện tử, màn điện tử, quạt ion âm, ốp tường ion âm, máy sưởi ion âm, máy sấy tóc ion âm, máy khai thông huyệt đạo ion âm và nhiều sản phẩm khác.
(3) Làm sạch thực phẩm, tiêu diệt vi khuẩn, vi rút, bào tử, và dư lượng thuốc bảo vệ thực vật bằng một loại dung dịch điện hoá mang tên Anolyte trung tính A7, đã được Viện SIIEE nghiên cứu thành công. Dung dịch này có tính chất giống như hệ miễn dịch trong cơ thể người, nên vô cùng an toàn và hiệu quả.
(4) Đứng trước vấn nạn về việc sử dụng tràn lan các hóa chất tẩy rửa độc hại, không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe và môi trường mà còn để lại các di chứng cho nhiều thế hệ. Viện đã ứng dụng enzyme sinh học vào sản xuất các chất tẩy rửa thương hiệu Homevic, thành công thay thế cho tất cả các sản phẩm độc hại.
(5) Tiếp theo là các nghiên cứu về vật lý phong thủy cho nhà cửa và phòng làm việc, nhằm đảm bảo loại bỏ các tia đất xấu và các trường năng lượng không tốt ảnh hưởng đến con người. Chúng tôi đã thành công trong việc chế tạo các dạng năng lượng “âm” và năng lượng tốt có tác dụng trung hòa hoặc hấp thụ các tia bức xạ xấu và trường năng lượng xoắn để cải tạo vùng đất ở và làm việc thành vượng khí.
(6) Cuối cùng là 2 bộ tu luyện được sáng tạo bởi chính tôi, đó là phương pháp Thiền Dr.Enzyme và dưỡng sinh vô cực thiền công. Đã có hàng ngàn người tham gia luyện tập và đã đạt được những thành tựu tốt cho sức khỏe.
Bằng khen Giải Nhất Báo chí Khoa học Công nghệ do Bộ Khoa học & Công nghệ trao tặng
Như Phương:
Cuối cùng, xin ông chia sẻ điều gì với các doanh nhân và nhà khoa học nhân ngày doanh nhân Việt Nam 13 tháng 10?
TS. Trịnh Xuân Đức:
Tôi tin rằng, thành công của doanh nhân và nhà khoa học là thành công của đất nước. Doanh nhân là những người tiên phong trong việc tạo ra của cải, công ăn việc làm và thúc đẩy kinh tế phát triển. Nhà khoa học là những người tìm tòi, sáng tạo ra những tinh tuý của kiến thức và công nghệ mới, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân, của cộng đồng.
Nhân ngày Doanh nhân Việt Nam, tôi xin gửi lời chúc các doanh nhân và nhà khoa học tiếp tục phát huy tinh thần sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, góp phần xây dựng đất nước Việt Nam ngày càng giàu mạnh, văn minh.
Thực hiện NHƯ PHƯƠNG