LĐST – Khi nói về ThS. Đỗ Quốc Khánh – Chủ tịch Hiệp hội Những người Lao động Sáng tạo Việt Nam (VLCA); Giám đốc Công ty Xử lý lún nghiêng Việt Nam, người ta thường liên tưởng ngay đến những công trình di dời, xử lý sự cố lún nghiêng đã đi vào lịch sử đất nước.
Chẳng thế mà người đời thường đặt cho ông những cái tên như “Thần đèn” đất Bắc, “Thần đèn” đất Thăng Long, ông “Vua” xử lý lún nghiêng.
Khi dịch bệnh Covid – 19 bùng phát, “Thần đèn” Đỗ Quốc Khánh lại một lần nữa định vị giá trị của người đứng đầu một Hiệp hội toàn quốc; một công ty nổi tiếng để làm tốt công tác phòng, chống dịch covid-19.
Không một ai nghĩ rằng, vị chuyên gia hàng đầu về sự cố và di dời nhà ấy còn là chủ của một khu nhà xưởng cho thuê ở Khu công nghiệp (KCN) Quang Minh, Mê Linh, Hà Nội.
“Thần đèn” đất Thăng Long Đỗ Quốc Khánh
Ứng phó nhanh, xử lý dịch kịp thời
Để “thực mục sở thị” về công tác phòng, chống dịch của ThS. Đỗ Quốc Khánh tại khu nhà xưởng cho thuê, tôi đã theo ông bằng ô tô đến cổng KCN từ khá sớm.
Phía trước là hàng dài ô tô các loại, cách xa đó một đoạn là các lái xe, phụ xe xếp hàng chờ xét nghiệm nhanh covid trước khi qua cổng.
Qua được cửa ải đầu, tôi cùng ThS. Khánh thăm quan khu nhà xưởng và nhanh chóng ghi nhận thực tế tình hình phòng chống dịch. Trong khu nhà xưởng cho thuê hiện có 6 công ty đang hoạt động.
Tại trung tâm nhà máy là nơi đặt văn phòng của Công ty Xử lý lún nghiêng Việt Nam do ThS. Khánh trực tiếp làm giám đốc điều hành.
Sau ít phút, ông mời tôi vào trong phòng làm việc để được tiếp cận với những công văn, giấy tờ liên quan tới công tác chỉ đạo, điều hành.
Đứng trong phòng làm việc của ông, tôi khá ngạc nhiên. Tuy là giám đốc một công ty nổi tiếng, Chủ tịch một Hiệp hội nhưng phòng làm việc của ông lại rất bình dị.
Phía trong đồ đạc không có nhiều, chủ yếu là những đồ dùng thiết thực cho công việc. Phòng làm việc tuy nhỏ, nhưng mọi thứ đều được bài trí gọn gàng, ngăn nắp, khoa học và vô cùng ấm cúng.
Đặc điểm rất ấn tượng của văn phòng là xung quanh được bố trí nhiều cây – hoa, cảm giác như một quán cà phê.
Sau khi pha cà phê mời khách, ThS. Khánh đã chia sẻ về nguồn gốc của khu nhà xưởng này. Việc đền bù đất bắt đầu từ năm 2004, sau khi hoàn tất các thủ tục hành chính thì được UBND TP. Hà Nội cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.
Đây là dự án Nhà máy bê tông đúc sẵn và kết cấu thép. Ban đầu công việc khá thuận lợi nhưng về sau càng ngày càng khó khăn.
TP. Hà Nội không cấp đất cho các dự án KCN nữa nên nhà máy mất đi nguồn công việc. Đúng lúc đó thì làn sóng đầu tư nước ngoài đến, ThS. Khánh đã chuyển đổi dự án sang mô hình kinh doanh nhà xưởng.
Đây là mô hình cho nước ngoài thuê nên phải đáp ứng tốt nhất mọi nhu cầu của người thuê đến từ nhiều nước với những phong cách kinh doanh khác nhau.
Yêu cầu về dịch vụ, an toàn về PCCC, an ninh, phòng dịch và xử lý các sự cố được đặt ra một cách hết sức nghiêm túc.
Công ty Xử lí lún, nghiêng những ngày thực hiện lệnh giản cách phòng chống Covid – 19.
Đầu tư nhà máy cho thuê là loại hình đầu tư chiều sâu, vốn lớn, mạo hiểm, nếu nhầm lẫn sẽ dẫn đến thua lỗ.
Với bản năng của một chuyên gia về sự cố, quen thích ứng với các rủi ro nên nhà máy được thiết kế rất hợp lý về mọi mặt từ quy hoạch, không gian, giao thông, đến an ninh, môi trường, PCCC.
Điều hấp dẫn là, doanh nghiệp nước ngoài nào đến thuê cũng thấy phù hợp với mình.
Đây là khu nhà xưởng từ ngày cho thuê đến nay chưa bao giờ vắng khách, với nhiều đối tượng khách hàng từ Hàn Quốc, Hồng Kông (Trung Quốc), Singapore…
Khi dịch covid-19 ập đến với diễn biến phức tạp, nhà máy lập tức chủ động thành lập Ban chỉ phòng chống dịch do ThS. Khánh trực tiếp làm Trưởng ban.
Bình thường tại căn phòng này cũng đã là sở chỉ huy cho các sự cố cháy nổ, ngập úng, an ninh trong nhà máy, nay chỉ bổ sung thêm chức năng phòng chống dịch.
Để thiết lập “vùng xanh an toàn”, phương án cách ly công ty với công ty được thực hiện triệt để.
Toàn nhà máy đều thực hiện xét nghiệm RT-PCR đảm bảo 100%. Chỉ có Ban chỉ đạo, tiếp phẩm, đặc biệt là các giám đốc, quản lý mới được ra vào.
Vào những ngày dịch bệnh, người ngoài muốn vào bên trong nhà máy đều phải có xét nghiệm còn hiệu lực.
Đến đây tôi mới thật sự cảm nhận được không khí của “3 tại chỗ” và mới hiểu, mới cắt nghĩa được thế nào là “1 cung đường 2 điểm đến”.
ThS. Đỗ Quốc Khánh trực chỉ huy công tác phòng chống dịch bệnh Covid-19 tại Khu công nghiệp Quang Minh.
ThS. Khánh cho biết thêm: “Thực chất, thành quả việc phòng chống dịch ngày hôm nay chính là kết quả của việc áp dụng những kinh nghiệm thực tế từ việc xử lý lún nghiêng trước đó.
Những bài học trong công việc xử lý sự cố đã giúp tôi ứng dụng nhuần nhuyễn trong công tác phòng, chống dịch covid -19”.
Được biết, để có thể vận hành trơn tru khu nhà xưởng này, ban chỉ đạo đã thường xuyên tuyên truyền và đưa ra nhiều kịch bản kèm theo cách xử lý.
Phương thức liên lạc của Ban và các tiểu ban chủ yếu trên kênh zalo, điện thoại nội bộ và thiết bị không thể thiếu đó là loa phát thanh, loa cầm tay.
Ban chỉ đạo yêu cầu tất cả các đơn vị trong toàn khu phải công khai thông tin liên lạc (tên, số điện thoại) của cán bộ, đơn vị đầu mối phụ trách về công tác phòng, chống dịch covid-19 để tiện việc liên lạc.
Thiết lập kênh liên lạc qua đường dây nóng với Trung tâm y tế huyện Mê Linh, đường dây nóng của Sở Y tế Hà Nội hoặc Bộ Y tế, cơ quan y tế theo quy định của địa phương để có thể báo cáo kịp thời khi phát sinh lây nhiễm.
Tại nơi làm việc: Các vị trí thường xuyên tiếp xúc đều được vệ sinh, khử khuẩn (tay vịn cầu thang, tay nắm cửa, cây uống nước, điện thoại, nút bấm điều khiển dùng chung, micro, mặt bàn làm việc…).
Các đơn vị cung cấp suất ăn, lương thực, thực phẩm, nguyên vật liệu, dịch vụ bảo vệ, vận chuyển, đưa đón chuyên gia, người lao động, điện lực, thu gom và xử lý rác thải, hậu cần, sửa chữa, bảo dưỡng cấp thoát nước… của từng doanh nghiệp được quản lý rất nghiêm ngặt ngay từ khi vào cổng để đảm bảo việc chống lây nhiễm.
Nói thì dễ, chống lây nhiễm cho một công ty nước ngoài đã khó, nhưng ở đây là bài toán vừa phải sản xuất – vừa chống lây nhiễm cho cả một khu nhà xưởng với nhiều công ty, nhiều quốc tịch khác nhau từ chế xuất – FDI – rồi cả công ty Việt Nam thì không phải là việc đơn giản.
Nếu không xử lý tốt tại một công ty, khi có F0 thì nguy cơ lây lan dịch bệnh là không thể tránh khỏi.
Thế nhưng, với Ths. Đỗ Quốc Khánh, hình như không có gì làm khó được ông, nhìn vào những văn bản ngắn gọn, sơ đồ chỉ dẫn khoa học cho toàn khu nhà xưởng, thực sự tôi cảm nhận được sự chuyên nghiệp và tỉ mỉ của “ông vua” xử lý sự cố.
Covid-19 lần đầu tiên xẩy ra trên thế giới, nhưng khi vào khu nhà xưởng này tôi có cảm giác như nó đã được tính toán trước và nằm trong quy hoạch, xây dựng, đủ khả năng đối phó với dịch bệnh.
Có lẽ đây là sự khác biệt cơ bản giữa sản phẩm của một nhà xử lý chuyên nghiệp về sự cố so với các nhà kinh doanh bất động sản khác.
Công ty Xử lí lún, nghiêng những ngày thực hiện lệnh giãn cách phòng chống Covid-19.
Làm tốt công tác 3T “3 tại chỗ”
Theo chỉ đạo của thành phố cũng như công văn hướng dẫn của UBND huyện Mê Linh thì các nhà máy trong khu công nghiệp đều phải thực hiện 3T (sản xuất, ăn uống, nghỉ ngơi tại chỗ).
Nhờ việc thiết kế nhà xưởng đã có tính toán đến sự phù hợp khi có mọi sự cố xảy ra nên khi có diễn biến phức tạp của dịch covid-19 thì mọi vấn đề đáng lo ngại đều dễ dàng xử lý.
Tất cả người lao động 3T đều có danh sách kèm đầy đủ thông tin về nhà trọ, nơi lưu trú.
Dù đã thực hiên tốt công tác 3T, nhưng người lao động vẫn cần phải tuân thủ đầy đủ các điều kiện về 5K, cài đặt ứng dụng Bluzone, khai báo y tế bắt buộc.
Nếu như trước đây người lao động của các công ty có thể tự do ra vào, ăn uống tại các cửa hàng ăn gần nhà máy, thì nay, do ảnh hưởng của dịch bệnh, những công ty thuê nhà xưởng đều phải thực hiện 3T.
Họ bắt buộc phải đặt xuất ăn từ bên ngoài, không được tiếp xúc trực tiếp với người giao cơm và chỉ cử 1 cán bộ giao nhận và kiểm đếm (người giao thực phẩm cũng phải có xét nghiệm PCR mới được vào nhà máy).
Từ ngày 31/8/2021, KCN áp dụng triệt để 3 tại chỗ, không cho bất cứ trường hợp nào vào KCN.
Riêng đối với người nước ngoài vẫn tạo điều kiện cho đi đi về về khi có đầy đủ xét nghiệm còn hiệu lực 72h.
Việc lái xe chở hàng của doanh nghiệp vẫn hoạt động như trước, hết giờ về công ty tiếp tục thực hiện 3T.
Để việc kiểm soát của bảo vệ được chuẩn xác, tránh nhầm lẫn người, Ban chỉ đạo phòng, chống covid-19 đã đề nghị các doanh nghiệp phải công khai hóa danh sách đã xét nghiệm PCR. Ban chỉ đạo luôn phân công trực 24/24 về an ninh, bảo vệ, y tế, PCCC…
Mọi biến động phải báo cáo trước 16h hàng ngày qua nhóm zalo, sau đó báo cáo bằng văn bản để lưu và hạn chế tiếp xúc.
Hà Nội đã dỡ bỏ toàn bộ hệ thống loa phường. Tuy nhiên, khi có sự cố dịch bệnh, PCCC, an ninh thì mọi người mới nhận ra tính hiệu quả của sự kết hợp hài hòa giữa cái hiện đại của kỷ nguyên 4.0 và tính truyền thống vốn có.
Nói và làm, hình như đây là nét đặc trưng của một ông chủ, một nhà khoa học thực thụ.
Ông đưa tôi đến và chỉ tận tay những biển chỉ dẫn, sơ đồ đường đi của khu nhà xưởng, thăm quan trực tiếp các nhà máy, thậm chí ông còn dẫn tôi đi thăm cả khu vệ sinh của từng khu.
Toàn khu công nghiệp có 7 cổng ra vào, mỗi cổng đều bố trí camera giám sát. Tại cổng chính còn có camera thông minh nhận diện khuôn mặt (nhận diện ngay cả khi đeo kính chắn giọt bắn và khẩu trang).
Sát cửa bảo vệ là khu nhà để xe, ở đó có đủ các loại chỉ dẫn rõ ràng, giá vé gửi xe được công khai niêm yết.
Ven lối đi là những hàng cây xanh mướt, cây ăn quả sai trĩu, bất giác tôi quên đi cảm giác về những ngày tháng dịch bệnh đang hoành hành và cũng quên rằng nơi đây là khu công nghiệp.
Điều khiến tôi thích thú hơn cả là không khí nơi đây rất trong lành, không như tưởng tượng của tôi về một nơi nhếch nhác, đầy khói bụi.
Mỗi doanh nghiệp thuê trong khu nhà xưởng đều rất ý thức, họ chấp hành nghiêm ngặt những quy định của Ban chỉ đạo đề ra.
Tất cả những người nước ngoài đều rất tôn trọng sự khác biệt về phong tục, tập quán của nhau.
Mỗi công ty, nhà xưởng được bài trí riêng biệt bằng những hàng rào ngăn cách để khi không may có lây nhiễm thì ngay lập tức khu đó bị phong tỏa.
Việc cách ly từng công ty được thể hiện từ khâu quy hoạch xây dựng, bố trí giao thông, điện, nước, nhà để xe, khu wc. Các đoàn kiểm tra dịch bệnh và PCCC đều không khỏi ngạc nhiên về cách quy hoạch, thiết kế của Thần đèn.
Dưới sự chỉ huy nhịp nhàng, hợp lý của vị “thuyền trưởng” ThS. Khánh, các việc bất thường như dịch bệnh covid-19 có vẻ như lại trở thành việc “thường ngày ở phố huyện”.
Nếu không có sự vào cuộc sát sao, nghiêm túc của ông và Ban chỉ đạo thì khó có thể thực hiện nhanh chóng được.
Thông qua cách điều hành khoa học đó, mỗi doanh nghiệp thuê trong khu nhà xưởng đều tự tin, yên tâm sản xuất và công nhân cũng đều thấy an toàn trong chính nơi làm việc của mình.
Ông Trần Văn Bình – Bảo vệ cổng số 1 của Công ty, cho biết: “Là bảo vệ, tôi đã chấp hành nghiêm các quy định của Ban chỉ đạo phòng, chống covid-19.
Tại đây, chúng tôi có quyền từ chối những thành phần không làm đúng các quy định nhằm ngăn chặn việc lây lan nguồn bệnh vào nhà máy, để đảm bảo phòng, chống dịch một cách tốt nhất.
Thường xuyên báo cáo khi có tình huống phát sinh và đặc biệt bản thân mình cũng phải gương mẫu thực hiện tốt chỉ đạo của Ban điều hành. Thực hiện tốt quy định 5K của Bộ Y tế đề ra”.
Ông Trần Văn Bình – Bảo vệ cổng số 1 của Công ty
Thế mới thấy việc chủ động, xử lý linh hoạt mọi tình huống của “thuyền trưởng” Đỗ Quốc Khánh đã lan tỏa và là tấm gương sáng cho mọi người trong toàn khu noi theo.
Đặc biệt, từ những chỉ đạo có tầm đã thể hiên rõ bản lĩnh, trí tuệ của “thần đèn” đất Bắc.
Dù là xử lý sự cố trên phương diện nào ông cũng làm “tròn vai”. Những việc làm tưởng chừng như giản đơn ấy, đã hình thành nên những “vùng xanh” an toàn trong chính ý thức của mỗi người ở đây.
Nếu ai cũng chấp hành tốt theo chỉ đạo Thủ tướng Chính phủ, hướng dẫm của Bộ Y tế như tinh thần tiên phong của Chủ tịch Hiệp hội VLCA, Giám đốc ThS. Đỗ Quốc Khánh thì tình hình dịch bệnh sẽ sớm được kiểm soát.
Một trong những công trình di dời của “Thần đèn” Đỗ Quốc Khánh
Tỏa sáng trách nhiệm của công dân Thủ đô
ThS. Đỗ Quốc Khánh là một người khá giản dị, khiêm tốn và không muốn nói về bản thân, không muốn nói về những thành công trong công việc chuyên môn.
Tuy nhiên, sẽ thật thiết sót nếu trong bài viết này không giới thiệu một trong những công trình vô cùng ý nghĩa mang đậm dấu ấn thủ đô Hà Nội.
Điều đặc biệt là công trình đó đã gắn liền với dịp kỉ niệm 1000 năm Thăng Long mà ông và cộng sự đã thực hiện thành công.
Trầm tĩnh một hồi lâu, ông kể: Cũng đúng vào dịp này trước đây 11 năm, ngày 10/10/2010, chúng tôi đã xử lý lún nghiêng cho 1 công trình quy mô 8 tầng tại khu bán đấu giá Man bồi – gốc găng ở Hà Đông.
Lần đầu tiên trong lịch sử Việt Nam, công nghệ căn chỉnh nhà nghiêng được tự động hóa qua trạm bơm thủy lực điều khiển tự động.
Việc xử lý lún nghiêng tòa nhà này được kiểm soát bằng các thước đo điện tử, dẫn truyền số hóa về máy tính.
Việc điều khiển phi tuyến bằng công nghệ nâng nhà có các số đo dịch chuyển khác nhau ở từng vị trí là một việc hiếm có, phi thường trong lịch sử xây dựng.
GS.TS. Nguyễn Mạnh Kiểm – người đã từng làm Viện trưởng, Thứ trưởng rồi Bộ trưởng Bộ Xây dựng đã không khỏi ngạc nhiên, bất ngờ với những gì đã xẩy ra trước mắt ông.
Là một GS.TS về xây dựng, ngay chính ông cũng không thể nghĩ được là ở Việt Nam mình cũng đã có những bước tiến vượt bậc đạt đẳng cấp thế giới trong lĩnh vực xử lý sự cố xây dựng.
Các công trình “thế kỷ” mà ThS. Đỗ Quốc Khánh và các công sự của ông đã và đang làm được thế giới và Nhà nước Việt Nam công nhận trên báo chí. Nó đã thực sự mang lại những giá trị thiết thực cho đời sống xã hội. Không dừng lại ở đó, với khả năng thích nghi và ứng biến linh hoạt, ThS. Đỗ Quốc Khánh một lần nữa cũng đã biến điều không thể thành có thể, khi làm tốt vai trò là một “chuyên gia” trong lĩnh vực PCCC và với cả sự cố dịch covid-19. Đằng sau những câu chuyện tưởng như rất nhỏ ấy là đầy rẫy những khó khăn, thử thách mà để đạt được, người ta đã phải trả giá bằng biết bao mồ hôi nước mắt. Khi nói về công việc của mình, ThS. Đỗ Quốc Khánh luôn cho rằng đó chỉ là nghĩa vụ, là trách nhiệm của một công dân với cộng đồng. Một nhà khoa học giản dị, một nhà quản lý, một người trí thức Thủ đô đầy nhiệt huyết – ThS. Đỗ Quốc Khánh – Chủ tịch Hiệp hội Sáng tạo Việt Nam; Giám đốc công ty Xử lý lún nghiêng đã chọn một lối đi riêng rất thầm lặng và luôn “tỏa hương” cho đời. Các giải thưởng đã giành được: – Giải thưởng Sáng tạo khoa học và công nghệ Việt Nam: Giải Ba năm 2003; Giải Đặc biệt năm 2009; Giải Nhất năm 2012. – Giải công trình di dời nặng nhất thế giới năm 2009 tại Mỹ. |
Thu Trang