LĐST – Vừa qua, tại Hội nghị đội ngũ trí thức khoa học và công nghệ triển khai Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và trước đó, làm việc với Bộ Khoa học và công nghệ, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã yêu cầu sửa đổi quy định về tài chính cho nghiên cứu, ứng dụng KHCN.
Thủ tướng nhấn mạnh: “Không để một quy trình mà chứng từ thanh toán dày hơn cả công trình nghiên cứu”! Để thấy thủ tục thanh quyết toán công trình khoa học hiện nay phức tạp ra sao, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với GS.VS. Trần Đình Long về những rào cản trong thủ tục hành chính đối với các công trình nghiên cứu, ứng dụng khoa học – công nghệ (KHCN) cần được gỡ bỏ.
Thủ tướng Phạm Minh Chính (thứ 3, hàng đầu, từ trái sang) thăm, động viên các nhà khoa học
Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương và Công ty VABIOTECH; Ảnh: Nhật Bắc.
PV: Thưa giáo sư, xin giáo sư cho biết thủ tục thanh quyết toán công trình khoa học hiện nay phức tạp ra sao?
GS.VS. Trần Đình Long:
Đúng là Thủ tướng đã nắm bắt được những khó khăn muôn trùng trong thủ tục thanh quyết toán công trình nghiên cứu khoa học. Theo quy định thanh quyết toán các công trình nghiên cứu khoa học hiện nay, bộ hồ sơ quyết toán công trình phải có rất nhiều hóa đơn chứng từ.
Ngoài ra còn buộc nhà khoa học phải nộp phiếu điều tra, biểu ghi chép số liệu, bản đồ, thuyết minh khoa học, bản in các bài báo, bài trình bày… Thực tế, để hợp thức hóa thủ tục thanh toán, các nhà khoa học buộc phải dành rất nhiều thời gian công sức để có thể thu thập hết các hóa đơn, chứng từ, trong khi đó có các hóa đơn không thể có.
Ví dụ: khi nhà khoa học đặt hàng cho người nông dân sản xuất cây giống cho đề tài, nhưng họ không có hóa đơn bán hàng, chỉ có giấy xác nhận đã xuất cây giống, nhưng thủ tục thanh toán vẫn yêu cầu phải có hóa đơn, thậm chí hóa đơn đỏ… Vì vậy, không ít người phải “phù phép” để có hóa đơn.
Đây không những là những thất thoát lãng phí không đáng có mà còn làm nản chí, giảm ham muốn sáng tạo và cống hiến của các nhà khoa học.
GS. VS. Trần Đình Long – Chủ tịch Hội Giống cây trồng Việt Nam.
PV: Vậy thưa giáo sư, hồ sơ nghiên cứu khoa học có “dày” không? Thủ tục xét duyệt đề tài nghiên cứu, ứng dụng KHCN hiện nay có phức tạp không?
GS.VS. Trần Đình Long:
Thủ tục xét duyệt đề tài nghiên cứu, ứng dụng KHCN hiện nay cũng vô cùng phức tạp. Theo quy định của Bộ KHCN tại Thông tư số 10/2014/TT-BKHCN ban hành ngày 30/5/2014 và Thông tư số 23/2014/TT-BKHCN ngày 19/9/2014 sửa đổi một số điều trong Thông tư số 10/2014/TT-BKHCN thì một nhà khoa học có ý tưởng cho một đề tài nghiên cứu cấp Bộ và đăng ký thực hiện để xin ngân sách tài trợ, việc trước tiên phải làm bộ hồ sơ gồm 5 loại đơn và thuyết minh:
Đơn đăng ký chủ trì thực hiện nhiệm vụ KHCN cấp quốc gia; Thuyết minh đề tài nghiên cứu ứng dụng và phát triển công nghệ, dự án sản xuất thử nghiệm hoặc thuyết minh đề án khoa học; Lý lịch hoạt động KHCN của tổ chức chủ trì; Lý lịch khoa học của cá nhân đăng ký chủ nhiệm, người tham gia và giấy xác nhận phối hợp nghiên cứu.
Chưa hết! Thông tư Số 08/2017/TT-BKHCN ngày 26/6/2017 của Bộ KHCN còn quy định việc tuyển chọn, giao trực tiếp cho cho các tổ chức và cá nhân thực hiện nhiệm vụ KHCN cấp quốc gia sử dụng ngân sách nhà nước dưới các hình thức đề tài, đề án khoa học, dự án sản xuất thử nghiệm, dự án KHCN thuộc các chương trình quốc gia phải thực hiện lý lịch khoa học của tổ chức chủ trì và cá nhân.
Nếu trong đề tài có sự phối hợp với các chuyên gia hay nhà khoa học nước ngoài phải có sơ yếu lý lịch khoa học của chuyên gia nước ngoài kèm theo giấy xác nhận về mức lương chuyên gia. Văn bản chứng minh năng lực nhân lực KHCN, trang thiết bị của đơn vị phối hợp và khả năng huy động vốn từ nguồn khác để thực hiện…
Ngoài ra, trong hồ sơ phải kèm theo văn bản cam kết và giải trình khả năng huy động vốn từ các nguồn ngoài ngân sách nhà nước. Đối với các dự án sản xuất thử nghiệm đạt ít nhất 50% tổng kinh phí đầu tư; báo cáo tài chính của doanh nghiệp trong 2, 3 năm gần nhất; cam kết cho vay vốn hoặc bảo lãnh vay vốn của các tổ chức tín dụng; cam kết pháp lý và giấy tờ xác nhận về việc đóng góp vốn của tổ chức chủ trì và các tổ chức tham gia dự án; phải có thêm bảng báo giá thiết bị, nguyên vật liệu chính cần mua sắm để thực hiện nhiệm vụ đề tài… Cần tối giản hóa các quy định trung gian, bám sát các sản phẩm cuối cùng của đề tài hoặc dự án.
Đây là thủ tục rắc rối rất khó thực hiện và mất rất nhiều thời gian.
PV: Theo giáo sư, làm cách nào để giảm bớt các thủ tục hành chính, giảm bớt rắc rối phiền hà cho các nhà khoa học mà vẫn mang hiệu quả cao trong nghiên cứu, ứng dụng KHCN vào sản xuất và đời sống?
GS.VS. Trần Đình Long:
Xin lỗi nhà báo, tôi là nhà khoa học, chuyên tâm vào nghiên cứu khoa học, không quen các thủ tục hành chính. Tôi chỉ mong rằng, các cơ quan quản lí nhà nước về lĩnh vực này theo hướng khoán đến sản phẩm cuối cùng.
Ví dụ, Nhà nước hoặc doanh nghiệp đặt hàng tạo được một giống chanh leo sạch bệnh, thích hợp cho điều kiện Việt Nam cho thu nhập 400 triệu đồng/ha (giống hiện tại chỉ cho thu nhập từ 250-300 triệu đồng/ha). Vậy các chứng từ thu chi đó cần nghiên cứu, sửa đổi những quy định trong quản lí khoa học công nghệ, phù hợp với thực tiễn, giảm bới thủ tục rắc rối, phiền hà cho các nhà khoa học như Thủ tướng đã chỉ đạo.
PV: Xin chân thành cảm ơn Giáo sư!
GS.VS. Trần Đình Long (SN 1940) là Viện sĩ duy nhất hiện nay của Việt Nam về ngành Nông nghiệp. Hiện, ông là Chủ tịch Hội giống Cây trồng Việt Nam; Viện trưởng Viện Môi trường và Nông nghiệp Eco… GS.VS. Trần Đình Long là tác giả và đồng tác giả của 26 giống cây trồng mới; công bố 125 công trình khoa học trên tạp chí chuyên ngành trong và ngoài nước; đã xuất bản 20 cuốn sách, giáo trình giảng dạy nông nghiệp. Ông còn tham gia đào tạo 35 Tiến sĩ chuyên ngành di truyền và chọn giống cây trồng, khoa học cây trồng… |
Minh Cao (thực hiện)