STVN – Hồng Thành là một xã vùng sâu chiêm trũng nằm phía Bắc huyện Yên Thành, điều kiện để phát triển kinh tế, xã hội gặp nhiều khó khăn. Thực hiện Chương trình Quốc gia về xây dựng Nông thôn mới, được sự chỉ đạo sâu sát của huyện Yên Thành, sự nỗ lực của cấp ủy, chính quyền địa phương và sự chung tay góp sức của các tầng lớp nhân dân trong xã đã đồng lòng, góp công góp sức, cuối năm 2015, xã Hồng Thành được UBND tỉnh Nghệ An công nhận đạt chuẩn nông thôn mới và đến ngày 15/3/2023, đạt chuẩn Nông thôn mới nâng cao.
Một góc thị tứ Hồng Thành
Toàn dân chung sức, chung lòng
Đường giao thông nông thôn được bê tông hóa tới tận các ngõ xóm.
Trước đây, kết cấu hạ tầng ở Hồng Thành lạc hậu, không đồng bộ. Hệ thống đường giao thông nông thôn chật hẹp, xuống cấp; hệ thống thủy lợi chưa được kiên cố hóa; dân chưa được dùng nước sạch; các công trình kết cấu hạ tầng như trạm xá, trường học, nhà văn hoá…xuống cấp.
Thực hiện Chương trình Quốc gia về xây dựng Nông thôn mới, Đảng ủy xã Hồng Thành đã thành lập Ban chỉ đạo, xây dựng đề án, tổ chức cho cán bộ đi tham quan; tập trung cả hệ thống chính trị làm tốt công tác tuyên truyền đã tạo ra nhiều phong trào, được nhân dân đồng tình hưởng ứng, nhất là phong trào chuyển đổi ruộng đất, giao thôn nông thôn, hiến đất giải tỏa mở đường làm bê tông, xây dựng Nhà máy nước… Qua đó, nhân dân đã hiến 12.303m2 đất làm đường giao thông nông thôn và hiến 260.000m2, làm đường giao thông nội đồng và các công trình phúc lợi khác. Giá trị do nhân dân đóng góp và hiến đất chiếm tỷ lệ 73,0 % so với tổng kinh phí đầu tư xây dựng nông thôn mới từ trước đến nay. Thống kê của UBN xã Hồng Thành cho biết: Đến nay, xã đã vận động được 455 hộ dân hiến đất, hiến công trình để mở đường giao thông theo quy hoạch, giải tỏa được 28km đường; các hộ dân đã hiến 12,3 ha đất ở, đất vườn, tự tháo dỡ di dời 12.112m2 tường rào, 240 cổng, 33 nhà ở, 175 công trình phụ các loại và chặt hàng nghìn cây cối để làm18km đường bê tông thuộc xã và 2,2km tuyến đường ngõ xóm. Nhân dẫn còn hiến 26 ha đất sản xuất nông nghiệp để mở rộng, nâng cấp được 458 tuyến đường nội đồng, với chiều dài 82km, đào đắp 111.951m3 đất, 3.000m3 sỏi, lắp đặt được 1.684 kè cống các loại, đảm bảo xe cơ giới hóa đi lại thuận tiện.
Nhiều mô hình xây dựng nông thôn mới tiêu biểu
Từ khi đạt chuẩn Nông thôn mới năm 2015 đến nay, Hồng Thành đã tập trung chỉ đạo và xây dựng được nhiều mô hình nông thôn mới, trong đó một số mô hình tiêu biểu như: Mô hình đường cờ, cây xanh dài 4 km trên các trục đường chính của xã, đường liên xóm và xóm với 200 cột cờ, hơn 300 cây xanh các loại, tạo nên sự khởi sắc trong xây dựng Nông thôn mới tại địa phương; Mô hình camera an ninh, UBND xã đã triển khai lắp camera an ninh trên các tuyến đường chính, trụ sở, trường học và các điểm nhạy cảm trên các địa bàn xã; Bên cạnh đó hệ thống camera của các hộ dân trên địa bàn xóm đã hỗ trợ cùng Ban công an xã trong giải quyết các vụ việc, hạn chế tình trạng vi phạm an ninh trật tự trên địa bàn xã; Mô hình tuần tra tự quản an nình trật tự của Hội cựu chiến binh; Mô hình nâng cấp chợ và trung tâm thương mại; Đầu tư nâng cấp nhà máy nước sạch; Tu sửa, xây mới các công trình trường học, nhà chức năng, nhà hiệu bộ trường mầm non và tiểu học, hội trường xã; Nâng cấp 10 tuyến kênh mương tưới chính do xã quản lý và duy trì nạo vét mương tiêu chính và các mô hình khác.
Diện mạo nông thôn hiện đại
Hê
Hệ thống hội nghị trực tuyến của xã
Về Hồng Thành hôm nay, ta sẽ thấy diện mạo nông thôn mới mang dáng dấp hiện đại. Khu thị tứ, các thôn xóm sầm uất, nhiều ngôi biệt thự tinh khôi. Đường bê tông tới tận các ngõ xóm, ban đêm điện sáng trưng. Hệ thống nước sạch tới mọi nhà. Trên những cánh đồng rộng mênh mông, mương máng dẫn nước đều được bê tông hóa; các khâu chính trong sản xuất lúa đều được làm bằng máy. Ông Hoàng Văn Thiết, Chủ tịch UBND xã Hồng Thành cho biết, ngoài sản xuất lúa với trình độ kĩ thuật canh tác cao, năng suất và sản lượng vượt trội, Hồng Thành còn đẩy mảnh các mô hình chăn nuôi, sản xuất chế biến dược liệu, mở mang các dịch vụ…nhờ đó, tốc độ tăng trưởng kinh tế hàng năm của Hồng Thành tăng cao. Dự ước năm 2023, giá trị kinh tế của xã tăng 30,37 %, thu nhập bình quân đầu người ước đạt 66 triệu đồng, tăng 19,67% so với 2020. Toàn xã có 1.907 hộ, với 7.686 nhân khẩu, nay chỉ còn 37 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 1,94% số hộ trong xã. Nhiều công trình trong kết cấu hạ tầng của xã như các trường học, trạm y tế, trung tâm thương mại, nhà văn hóa thôn…được đầu tư nâng cấp hoặc xây dựng mới khang trang.
Tại trụ sở của xã, nơi làm việc của Đảng ủy, Hội đồng Nhân dân, UBND và các tổ chức đoàn thể của xã, chúng tôi đã tận mắt chứng kiến phong cách chỉ đạo, phong cách làm việc chuyên nghiệp theo hướng cải cách hành chính và chuyển đổi số. Hiện nay,100% cán bộ công chức của xã được trang bị máy vi tính. Lãnh đạo xã và các công chức chuyên môn đã sử dụng thành thạo các chức năng, cấu hình trên hệ thống I-Office, từ việc nhận văn bản, tạo văn bản, chuyển, lưu văn bản đi, văn bản đến và ký số văn bản. Tại bộ phận “một cửa” của xã được trang bị máy scan để số hóa hồ sơ giải quyết thủ tục hành chính.
Hệ thống hội nghị trực tuyến được triển khai và duy trì thường xuyên phục vụ các cuộc họp, hội nghị trực tuyến giữa Trung ương, tỉnh với huyện, xã. Trang thông tin điện tử được vận hành, sử dụng tốt, cung cấp thông tin, văn bản quản lý chỉ đạo, điều hành của xã một cách kịp thời. 100% cơ quan, đơn vị, trường học trên địa bàn xã đã nhận lương qua tài khoản. Các cơ sơ sản xuất, kinh doanh, dịch vụ đã ứng dụng CNTT trong các công đoạn sản xuất, quản lý, kinh doanh; một số cơ sở đã quan tâm đầu tư xây dựng website, tham gia các sàn giao dịch thương mại điện tử hoặc ứng dụng mạng xã hội facebook, zalo để quảng bá, giới thiệu, mua bán sản phẩm, dịch vụ và làm quen với việc sử dụng thanh toán không dùng tiền mặt (QR Code) để giao dịch.
Xã Hồng Thành đang quyết tâm xây dựng xã đạt chuẩn Nông thôn mới kiểu mẫu vào năm 2025./.
Bài và ảnh HỒNG NGUYÊN