STVN – Làng Xuân Đào, xã Hồng Thành, huyện Yên Thành ra đời cách nay 370 năm; được báo chí mệnh danh là “Làng tỉ phú” bởi nhiều gia đình giàu có. Người làng Xuân Đào làm ăn, định cư ở nhiều địa phương trong cả nước và ở nước ngoài. Ở đâu, người làng Xuân Đào đa số đều thành đạt, cũng trở thành “tỷ phú”. Tại Tây Nguyên, người làng Xuân Đào định cư ở 2 tỉnh đó là Đắc Lắc và Kon Tum. Chúng tôi đã tới thăm những người con Xuân Đào sinh sống tại xã Cư Dliê M'nông - huyện Cư M'gar - Đắc Lắc và nghe họ kể về quá trình lập nghiệp từ khi nơi đây đang là rừng thiêng nước độc.
“Đất lành chim đậu”
Chúng tôi đến Cư Dliê M’nông vào trung tuần tháng tư, khi đài đưa tin, ở Hà Nội đang bước vào đợt nắng nóng đầu mùa với nhiệt độ 34 – 35 độ C. Vậy mà nơi đây, tiết trời dịu mát như đang chớm Thu. Ông Vương Văn Hùng từ chiếc xe ô tô sang trọng bước xuống, vồn vã bắt tay chúng tôi rồi giới thiệu về vùng đất trù phú, thiên nhiên trong lành mà những người con Xuân Đào sinh sống, quây quần bên nhau suốt mấy chục năm nay. Ông cho hay, đất ở đây là đất đỏ bazan, thích hợp cho việc phát triển cây công nghiệp, cây ăn quả. Chỉ cần cần chịu khó, trồng cây gì cũng có ăn. Khí hậu ở đây không khắc nghiệt như ở ngoài Bắc, nhiệt bình quân khoảng 26 độ C. Ngày nắng nóng nhất cũng chừng trên dưới 30 độ C; rét nhất cũng khoảng 20 độ C.
BTV Sáng tạo Việt Nam với bà con Hồng Thành tại Cư Dliê M’nông
Tác giả với vợ chồng ông Nguyễn Trọng Đảm.
Trên khoảng sân phơi cà phê của gia đình ông Hà Văn Khôi, gia chủ và những “Công thần” làng Xuân Đào ở Cư Dliê M’nông nồng hậu đón tiếp chúng tôi quanh hai chiếc bàn tròn đầy tú ụ những món ăn đặc sản của ba miền trong cái gió lồng lộng, hào phóng của Tây Nguyên.
Quả thật, nơi đây đúng là “đất lành” cho những người con Xuân Đào và người dân từ nhiều địa phương khác lập nghiệp. Nơi đây, nay đã mang dáng dấp của thị tứ với con đường rải nhựa; với hệ thống điện lưới đến tận các gia đình; với những cơ sở chế biến sản phẩm cây công nghiệp…Người làng Xuân Đào ở đây gia đình nào cũng có nhà ở khang trang, có vườn rộng, có rẫy cà phê, cao su; nhiều nhà có ô tô…Ông Nguyễn Trọng Đảm, dù thất bại nặng trong đầu tư xây dựng nhưng ông vẫn còn khu đất 8ha nằm ở vị trí đắc địa của huyện Ea H Leo (Đắc Lắc), trị giá hại tại cả 100 tỷ đồng.
Một thời gian khổ
Cư Dliê M’nông đúng là “đất lành, chim đậu” nhưng 40 năm trước, nơi đây không thể gọi là “đất lành” mà là “đất giữ”! Ông Vương Văn Hùng, người đầu tiên của Xuân Đào đến Cư Dliê M’nông lập nghiệp, kể: Năm 1982, sau hơn 4 năm học ở Trường Cơ khí Nông nghiệp ở Quế Võ (Bắc Ninh), ông được tổ chức điều động về nhận công tác ở Tây Nguyên, sau đó làm việc tại Nông trường Cà phê Đrao, có trụ sở tại Cư Dliê M’nông – huyện Cư M’gar – Đắc Lắc (nay là Công ty Cà phê Đrao) và làm việc ở Công ty này cho đến khi nghỉ hưu (2017). Ngày đó, Công ty mới thành lập, khó khăn muôn trùng. Hệ thống hạ tầng ở Cư Dliê M’nông chưa phát triển; sinh hoạt, đi lại vô cùng cực khổ. Mỗi lần về thăm quê, khi trở lại đơn vị, ông Hùng phải đi mất 7 ngày; đầu tiên là đi tàu hỏa đến Nha Trang, sau đó bắt xe đò lên Bôn Mê Thuột. Đường từ Buôn Mê Thuột gần 40km, không có xe đò, ông phải chờ, may ra gặp xe nông trường xuống thành phố mới đón xe về Cư Dliê M’nông.
Gian khổ trong sinh hoạt, trong đi lại chưa đáng sợ bằng bệnh sốt rét. Giữa rừng núi hoang vu, muỗi Anophen như trấu, công nhân sốt rét như rạ. Những người ở Xuân Đào vào đều sốt rét, rụng cả tóc, da xám ngoét.
Nhưng, gian khổ, sốt rét cũng chưa đáng sợ bằng tổ chức PulRo đang ẩn nấp trong rừng của Tây Nguyên, từng gây ra nhiều vụ cướp phá, bắn giết dân lành. Có lần, xe của đơn vị chở gạo từ Buôn Ma Thuột lên, bị PhulRo chặn đướng, cướp gạo, đốt xe…
Gian khổ, hiểm nguy là vậy nhưng ông Hùng không nao núng; ngược lại, ông còn về quê vận động gia đình ông Nguyễn Trọng Đảm, gia đình ông Hà Văn Khôi, ông Vương Văn Thông vào. Ông Đảm, ông Khôi vào Cư Dliê M’nông được Nông trường Đrao tiếp nhận vào làm công nhân đúng lúc Nông trường tái cơ cấu nên không có việc làm; bị sốt rét bạc mặt vẫn về quê đưa vợ con vào đây lập nghiệp. Ông Đảm còn đưa em trai là Nguyễn Trọng Hậu vào.
Những tỷ phú cà phê
Mang tiếng là công nhân nông trường nhưng không ai có việc làm, ngoài ông Vương Văn Hùng. Đất Tây Nguyên mênh mông nhưng không ai có tấc đất cắm dùi. Ông Hà Văn Khôi cùng vợ và 4 đứa con lít nhít không có chỗ ở, phải ở nhờ nhà ông Hùng 3 tháng 10 ngày. Nhờ có ít vốn tích góp thừ thời ở quê, ông bà mua đất làm nhà, mua rẫy để trồng cà phê. Dần dần, ông bà trở thành “tỷ phú”. Mới đây, ông chia hết rẫy cho 4 người con quản lí để tập trung làm vườn. Vườn của ông có nhiều loại hoa quả, trong đó có cây sầu riêng mỗi năm thu hoạch gần trăm triệu đồng. Cách làm vườn của ông độc đáo. Ông tự chế biến phân hữu cơ để bón cho cây; tuyệt đối không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật. Ông còn xây bể cạn thả cá…
Ông Nguyễn Trọng Đảm cũng vậy; đưa vợ con vào không có đất để làm nhà và sản xuất. Bằng sự cần cù và tháo vát, ông bà đã có nhà to, có nhiều nương rẫy. Ông Đảm năng động, giao thiệp rộng, có thời điểm phất lên nhanh chóng cũng có lúc thất bại nhưng ông vẫn giữ được tài sản lớn như đã nêu trên.
Trong những người con Xuân Đào lập nghiệp ơ Cư Dliê M’nông, có lẽ gia đình ông Vương Văn Hùng là khá giả nhất; nương rẫy nhiều nhất. Là cán bộ chỉ huy sản xuất ở Công ty Cà phê Đrao, ông còn tham gia phát triển kinh tế gia đình. Gia đình ông có năm thu hoạch 35 tấn cà phê. Doanh thu bình quân hàng năm của gia đình ông hàng tỷ bạc. Vào chính vụ thu hoạc, gia đình ông thuê hàng chục người làm.
Thế hệ thứ 2 học giỏi, thành đạt
Từ 5 người con của làng Xuân Đào lập nghiệp tại Cư Dliê M’nông đầu thập kỉ 80 của thế kỉ trước, đến nay đã hình thành cộng đồng gồm 2 thế hệ giàu có, đoàn kết, thương yêu nhau. Trong đó, thế hệ thứ 2 đều học giỏi, thành đạt.
Cư Dliê M’nông cách trung tâm tỉnh Đắc Lắc gần 40 km; điều kiện sinh hoạt, học tập khó khăn, nhưng các gia đình đều quan tâm đặc biệt đến việc học hành của các con. Với sự quan tâm của các bậc phụ huynh và nỗ lực học tập của các cháu nên hầu hết các cháu đều học giỏi, trưởng thành. Gia đình ông Vương Văn Hùng có 4 con đều tốt nghiệp đại học, trong đó 2 cháu là thạc sĩ. Gia đình ông Hà Văn Khôi có 4 con, tất cả đều là đảng viên, đang giữ cương vị lãnh đạo cấp cơ sở trong cơ quan, doanh nghiệp tại địa phương; trong đó, cháu út là bác sĩ, hiện đang theo học chuyên khoa 1. Gia đình ông Nguyễn Trọng Đảm có 6 con thì 5 con có bằng đại học, hiện đang công tác tại Nhật Bản, ở Tp. Hồ Chí Minh…Gia đình các cháu đều khá giả. Chúng tôi đến thăm gia đình cháu Thanh, cháu Hoài, con ông Khôi thấy cuộc sống gia đình các cháu đủ đầy, không kém những gia đình tỷ phú làng Xuân Đào, quê hương của họ.
…Lưu luyến chia tay những người con làng Xuân Đảo mến khách, hào phóng ở Cư Dliê M’nông, sau hơn một giờ bay, chúng tôi đã tới Hà Nội. Chợt thấy, Tây Nguyên thật gần và đáng sống.
Bài: Minh Cao.
Ảnh Công Thực – Hồng Nguyên.