LĐST – Chào mừng 67 năm Ngày giải phóng Thủ đô (10/10/1954 – 10/10/2021), người Hà Nội nói riêng và nhân dân cả nước nói chung lại thêm một lần nhớ về những địa danh lịch sử hào hùng trong cái ngày đặc biệt này.
Trải qua thăng trầm của lịch sử, Hà Nội đã và đang chuyển mình mạnh mẽ, phát triển toàn diện về mọi mặt trở thành Trung tâm đầu não chính trị – hành chính quốc gia, trung tâm lớn về văn hóa, khoa học, giáo dục, kinh tế và giao dịch quốc tế của cả nước.
Cách đây 67 năm, sáng 10/10/1954, Ủy ban Quân chính thành phố và Đại đoàn Quân Tiên phong – Sư đoàn 308 chia làm nhiều cánh lớn mở cuộc hành quân tiến vào Hà Nội trong rừng cờ hoa của 20 vạn người dân hân hoan chào đón đoàn quân chiến thắng trở về sau 9 năm trường kỳ kháng chiến.
Chúng ta cùng điểm lại những địa danh đã đi vào lịch sử trọng đại, viết lên trang sử hào hùng của dân tộc ta qua hình ảnh xưa và nay dưới đây.
Sáng ngày 09/10/1954, Quân đội nhân dân Việt Nam chia làm nhiều cánh quân tiến vào năm cửa ô chính rồi tỏa ra các khu. Một trong những cơ sở đầu tiên được lực lượng ta tiếp quản từ quân Pháp khi giải phóng thủ đô là ga Hà Nội.
Ga Hà Nội xưa và nay.
Vào 16 giờ ngày 09/10/1954, những người lính Pháp cuối cùng rút khỏi Hà Nội qua cầu Long Biên, Quân đội nhân dân Việt Nam đã hoàn toàn kiểm soát thành phố.
Cầu Long Biên xưa và nay.
Sáng sớm ngày 10/10/1954, Ủy ban Quân chính thành phố và các đơn vị quân đội ta chia làm nhiều cánh lớn mở cuộc hành quân vào Hà Nội. Khu Thành cổ, cơ quan đầu não của quân đội Pháp ở Hà Nội đã được tiếp quản tuyệt đối an toàn và nhanh gọn.
Thành cổ Hà Nội xưa và nay.
Các trụ sở công quyền, công trình lợi ích công cộng… nằm dưới sự kiểm soát của thực dân Pháp cũng được lực lượng ta tiếp quản thành công. Trong đó có địa điểm mang giá trị biểu tượng là phủ Thủ hiến Bắc Việt – Bắc Bộ phủ cũ.
Bắc Bộ phủ xưa và nay.
Từ 8h ngày 10/10, cánh quân phía Tây của ta xuất phát từ Quần Ngựa (nay là Cung thi đấu thể thao Quần Ngựa) đã đi qua các đường Kim Mã, Nguyễn Thái Học, Cửa Nam, Hàng Bông, Hàng Đào, Hàng Ngang… trong sự chào đón nồng nhiệt của người dân thủ đô.
Hàng Gai xưa và nay (ảnh TTXVN).
Hàng Đào xưa và nay (ảnh TTXVN).
Từ 8h45, cánh quân phía Nam xuất phát từ Việt Nam học xá (khu vực Đại học Bách khoa bây giờ) tiến qua phố Bạch Mai, phố Huế… vòng quanh bờ hồ Hoàn Kiếm (ảnh), rồi trở lại theo hai hướng Đông và Tây của phố Trần Hưng Đạo, vào đóng quân ở khu vực Đồn Thủy.
Khu vực Hoàn kiếm xưa và nay.
Từ 9h30, đoàn cơ giới và pháo binh cùng các vị chỉ huy của cuộc tiếp quản xuất phát từ sân bay Bạch Mai hướng về khu phố cổ, đi qua chợ Đồng Xuân (ảnh) rồi vào Thành cổ Hà Nội bằng Cửa Bắc. Công cuộc giải phóng thủ đô đã hoàn tất.
Chợ Đồng Xuân xưa và nay.
Vào hồi 15 giờ ngày 10/10/1954, hàng vạn nhân dân thủ đô Hà Nội tề tựu tại Cột cờ Hà Nội để dự lễ thượng cờ do Ủy ban Quân chính thành phố tổ chức. Sau 9 năm, lá cờ đỏ sao vàng lại kiêu hãnh tung bay ở nơi đây.
Cột cờ Hà Nội xưa và nay (ảnh TTXVN).
Nhà hát Lớn là nơi nổi hồi còi báo hiệu cho lễ thượng cờ lịch sử ở Hà Nội ngày 10/10/1954. Đây cũng nơi tổ chức Kỳ họp thứ Tư, Quốc hội khóa I, kỳ họp đầu tiên trong hòa bình của thủ đô.
Nhà hát Lớn xưa và nay (ảnh TTXVN).
Trang Nhung (T/h)