LĐST – Với tốc độ phát triển không ngừng của công nghệ, Trí tuệ nhân tạo đã có những đóng góp không nhỏ trong các lĩnh vực từ kinh tế, xã hội. Tuy nhiên, UNESCO đã sớm nhận thấy trí tuệ nhân tạo cũng đặt ra rất nhiều vấn đề… nên cần phải xây dựng các tiêu chuẩn quốc tế về đạo đức trong thời đại trí tuệ nhân tạo…
Công nghệ AI (Artifical Intelligence hay còn gọi là Trí tuệ nhân tạo) có ứng dụng trong nhiều lĩnh vực: sức khỏe, kinh doanh, giáo dục, sản xuất, marketing, tài chính… Trong tương lai, trí tuệ nhân tạo có thể trực tiếp trở thành lực lượng sản xuất, thay thế và giải phóng sức lao động của con người.
Công nghệ AI (ảnh: internet).
Tuy nhiên, trí tuệ nhân tạo cũng đặt ra rất nhiều vấn đề, thách thức lớn, như các tiêu cực liên quan đến quyền và phẩm giá con người, mối quan hệ giữa con người, máy móc; xâm phạm quyền tự do cá nhân, các quyền cơ bản khác…
UNESCO đã sớm nhận thấy điều này, nên cần phải xây dựng các tiêu chuẩn quốc tế về đạo đức trong thời đại trí tuệ nhân tạo, hỗ trợ các quốc gia xây dựng chính sách để tận dụng lợi thế của trí tuệ nhân tạo nhưng phải hạn chế các mặt tiêu cực.
Việt Nam cần xây dựng khung pháp luật cho trí tuệ nhân tạo.
Vì vậy, UNESCO đang xây dựng Dự thảo Khuyến nghị về Đạo đức trong trí tuệ nhân tạo, xác định và nhấn mạnh các giá trị tích cực, các mặt tiêu cực, các nguyên tắc cơ bản của trí tuệ nhân tạo, hướng dẫn cho việc phát triển, sử dụng có trách nhiệm các công nghệ trí tuệ nhân tạo, nguyên tắc về quản trị, cộng tác, thích ứng, nghĩa vụ của khu vực công và tư.
Ở khía cạnh khác, đạo đức trí tuệ nhân tạo là các hành vi đạo đức trong việc phát triển và sử dụng các công nghệ trí tuệ nhân tạo, được dẫn dắt bởi một tập hợp các giá trị, nguyên tắc, kỹ thuật dựa trên các tiêu chuẩn được chấp nhận rộng rãi là đúng hay sai.
Trí tuệ nhân tạo không chỉ bắt chước trí tuệ con người, mà còn “bắt chước” đạo đức, có tốt, có xấu. Tập trung của đạo đức trí tuệ nhân tạo ở Việt Nam là dùng dữ liệu thông minh ở mọi lĩnh vực kinh tế – xã hội, do vậy tập trung cho đạo đức trí tuệ nhân tạo là “đạo đức dữ liệu”, về khai thác sử dụng dữ liệu. Do đó cần xây dựng chiến lược dữ liệu, luật dữ liệu, hành lang pháp lý về đạo đức trí tuệ nhân tạo và dữ liệu, cùng tuyên truyền giáo dục. Bên cạnh đó, đạo đức trí tuệ nhân tạo cần gắn với chuyển đổi số và môi trường số.
Có thể thấy, lợi ích do các ứng dụng trí tuệ nhân tạo mang lại là điều không cần bàn cãi. Tuy vậy, cần có thể chế thích hợp để có thể phát triển trí tuệ nhân tạo mà không xung đột với các lợi ích và chuẩn mực ứng xử truyền thống. Để hình thành nên khung thể chế, quan trọng nhất là khung pháp luật, đã và đang là nhiệm vụ của tất cả các quốc gia trên thế giới.
Công nghệ AI (Artifical Intelligence hay còn gọi là Trí tuệ nhân tạo) xuất hiện từ những năm 60 của thế kỷ XX bởi nhà khoa học máy tính Mỹ, John McCarthy. Ngày nay, AI được định nghĩa là sự mô phỏng các quá trình suy nghĩ và học tập của con người cho máy móc, đặc biệt là các hệ thống máy tính. Các quá trình này bao gồm việc học tập (thu thập thông tin và các quy tắc sử dụng thông tin), lập luận (sử dụng các quy tắc để đạt được kết luận gần đúng hoặc xác định), và tự sửa lỗi. Tuy nhiên phải đến thời đại công nghệ 4.0, AI mới bùng nổ thực sự và được ví như một công nghệ tuyệt vời giúp con người tối ưu hóa thời gian và sức lực, đặc biệt trong thời gian tới đây. |
Trang Nhung