LĐST – Đây là chủ đề của Hội thảo quốc tế Việt Nam học lần thứ VI, do Viện Hàn lâm Khoa học và Xã hội Việt Nam phối hợp với Đại học Quốc gia Hà Nội tổ chức. Thông qua hình thức trực tiếp và trực tuyến, hội thảo đã thu hút sự tham gia đông đảo của các học giả, các nhà hoạch định chính sách, nhà nghiên cứu trong nước và quốc tế.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam phát biểu tại hội thảo
Tham dự buổi khai mạc hội thảo, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã nhấn mạnh: Hội thảo diễn ra trong bối cảnh đại dịch Covid-19 đã và đang tác động rất sâu sắc đến kinh tế, chính trị, xã hội của toàn thế giới, đặt ra những thách thức to lớn đối với sự phát triển của các quốc gia. Dù vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức phía trước, song Việt Nam cũng như thế giới sẽ đẩy lùi đại dịch và sẽ sớm lấy lại đà tăng trưởng, tiếp tục phát triển năng động và ngày càng bền vững.
Giới khoa học nói chung và những người nghiên cứu Việt Nam học nói riêng, đứng trước đòi hỏi tiếp tục đi sâu làm rõ các giá trị, các tiềm năng và phương cách để phát huy các giá trị, khơi dậy các tiềm năng, biến thành năng lực nội sinh để đất nước phát triển nhanh hơn, bền vững hơn.
Phó Thủ tướng cũng khẳng định những đóng góp quan trọng từ kết quả nghiên cứu Việt Nam học, các hội thảo quốc tế Việt Nam học rất đáng trân trọng và có ý nghĩa thiết thực, nhất là trên phương diện xây dựng chính sách đối ngoại, ổn định chính trị, phát triển kinh tế, xã hội.
Đồng thời, Phó Thủ tướng nhấn mạnh yêu cầu tiếp tục làm rõ hơn, sâu sắc hơn nội dung của nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc cũng như vị trí vai trò của văn hóa trong phát triển bền vững, trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc cũng như những cách tiếp cận phù hợp để đấu tranh hiệu quả với những hành vi phản văn hóa, những lệch lạc trong định hướng giá trị và hiện trạng suy đồi đạo đức.
Bên cạnh văn hóa, Việt Nam học cũng cần quan tâm nhiều hơn đến các vấn đề xã hội, đặc biệt trong bối cảnh dịch bệnh, không gian mạng và các yếu tố an ninh phi truyền thống ngày càng hiện hữu, qua đó dự báo xu thế, đưa ra những cảnh báo về các vấn đề xã hội, các biện pháp khắc phục những bất cập, mâu thuẫn mới nảy sinh, đảm bảo thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội, phát huy vai trò và sức mạnh của khối đại đoàn kết dân tộc.
Cũng tại hội thảo, PGS.TS.Bùi Nhật Quang, Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam cho rằng, Hội thảo Quốc tế Việt Nam học là sự kiện sinh hoạt khoa học quan trọng bậc nhất của giới nghiên cứu Việt Nam học trên toàn thế giới, là một diễn đàn khoa học hội tụ những thành quả nghiên cứu giá trị hàng đầu về đất nước và con người Việt Nam.
Do đó, sứ mệnh của các nhà khoa học Việt Nam không chỉ dừng lại ở việc nghiên cứu, chú giải lịch sử hào hùng của dân tộc trải dài suốt hàng nghìn năm, mà còn phải xuất phát từ chính thực tiễn của đất nước, tìm ra lời giải để khai phóng sức mạnh tiềm tàng của dân tộc, hướng đến một tương lai tươi sáng của đất nước, thực hiện khát vọng phát triển phồn vinh, sánh vai cùng bạn bè năm châu.
Hội thảo thu hút đông đảo các học giả, các nhà hoạch định chính sách,
nhà nghiên cứu trong nước và quốc tế
Hội thảo lần này là cơ hội để giới thiệu với bạn bè quốc tế về kho tàng văn hiến Việt Nam cũng như những thành quả phát triển của Việt Nam ngày nay. Đây cũng là dịp để các nhà khoa học Việt Nam nhìn lại đất nước mình, dân tộc mình, tìm ra những quy luật vận động, bài học lịch sử và động lực phát triển đất nước trong bối cảnh mới, tình hình mới.
Ban Tổ chức hội thảo đã nhận được 730 tham luận của các học giả, chuyên gia, các nhà khoa học trong nước và quốc tế, trong đó chọn ra 400 bài tham luận để đưa vào kỷ yếu và 120 báo cáo toàn văn. Các báo báo thể hiện trên các lĩnh vực: Lịch sử, kinh tế, chính trị, quan hệ quốc tế, văn hóa, xã hội, môi trường,.. Bên lề hội thảo còn có Diễn đàn khoa học với chủ đề: “Nghiên cứu Việt Nam học: Thành tựu và triển vọng” nhằm đánh giá vai trò, ý nghĩa khoa học và thực tiễn cũng như những thành tựu đạt được trong giảng dạy và nghiên cứu Việt Nam học hiện nay. Hội thảo quốc tế Việt Nam học lần thứ VI kéo dài đến hết ngày 29/10, tại Hà Nội. |
Hồng Nhung