LĐST – Báo cáo của FTC đã chỉ ra lỗ hổng của ngưỡng thông báo theo quy mô giao dịch HSR có thể bỏ sót các giao dịch ngoài tầm kiểm soát do không thể hiện đầy đủ bản chất của tác động cạnh tranh liên quan đến các công ty công nghệ.
Theo Văn phòng Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng (Bộ Công thương) cho biết, tại cuộc họp mở ngày 15/9/2021, Ủy ban Thương mại Liên bang Hoa Kỳ (FTC) đã công bố các phát hiện thu được từ nghiên cứu về các vụ sáp nhập chưa thông báo của 05 công ty công nghệ hàng đầu của Hoa Kỳ bao gồm Alphabet – chủ sở hữu của Google, Amazon, Apple, Facebook, và Microsoft từ ngày 01/1/2010 đến ngày 31/12/2019.
FTC có kế hoạch sử dụng thông tin thu được trong nghiên cứu này để xem xét xu hướng mua lại, phân tích điều khoản, phạm vi, mục đích và cấu trúc của các giao dịch, bao gồm cả việc liệu các thương vụ mua lại không được thông báo theo Đạo luật Hart-Scott-Rodino có thể gây ra lo ngại về cạnh tranh hay không và bản chất và mức độ của các thỏa thuận khác có thể hạn chế cạnh tranh. FTC cũng tìm hiểu thêm về hoạt động của các công ty nhỏ sau khi được các công ty công nghệ lớn mua lại.
Ủy ban Thương mại Liên bang Hoa Kỳ (FTC).
Quy mô giao dịch tối thiểu của một thương vụ tập trung kinh tế để xác định trách nhiệm phải thông báo cho FTC (ngưỡng HSR) khởi đầu ở mức 50 triệu đô la Mỹ (USD) và hiện được điều chỉnh hàng năm, lên đến 92 triệu USD vào năm 2021.
5 công ty công nghệ lớn nhất của Hoa Kỳ tính theo giá trị vốn hoá thị trường đã thực hiện 616 giao dịch không thông báo có giá trị hơn 1 triệu đô la từ đầu năm 2010 đến cuối năm 2019, chưa tính tới 101 sự kiện tuyển dụng, 91 hoạt động mua lại bằng sáng chế, khoảng 60 giao dịch dưới 1 triệu USD và 160 hoạt động đầu tư tài chính.
Cuộc điều tra về nền tảng công nghệ tập trung vào 616 giao dịch có giá trị từ 1 triệu USD trở lên. Các phát hiện chính được trình bày trong báo cáo: Cổ phiếu có quyền biểu quyết (kiểm soát) và mua lại tài sản trọng yếu chiếm 65% tất cả giao dịch trên.
Nếu loại trừ sự kiện tuyển dụng, mua lại bằng sáng chế và các giao dịch dưới 1 triệu đô la Mỹ thì hình thức mua cổ phiếu có quyền biểu quyết (kiểm soát) và mua lại tài sản chiếm 85% các giao dịch. Đối với các giao dịch vượt quá 5 triệu đô la, phần lớn là các giao dịch kiểm soát.
Trong số 616 giao dịch, có 94 giao dịch vượt quá ngưỡng HSR. Mặc dù hầu hết các giao dịch vượt quá ngưỡng quy mô đều phải được thông báo, nhưng trong một số trường hợp, các bên có thể không cần phải nộp hồ sơ nếu một số tiêu chí khác được đáp ứng hoặc các trường hợp miễn trừ theo luật định hoặc quy định được áp dụng.
Trong 36% các giao dịch, bên mua đã giả định một số khoản nợ hoặc nợ phải trả. Khi được thêm vào giá mua của mục tiêu, các khoản nợ và nợ phải trả đó sẽ cao hơn ngưỡng HSR.
Hơn 79% các giao dịch sử dụng khoản bồi thường hoãn lại hoặc dự phòng cho những người sáng lập và nhân viên chủ chốt, thường xảy ra đối với các giao dịch quy mô lớn.
Có 09 giao dịch sẽ vượt quá ngưỡng HSR (tức là ngoài 94 giao dịch đã cao hơn ngưỡng HSR) tại thời điểm hoàn thành khi thêm khoản bồi thường hoãn lại hoặc dự phòng vào giá mua.
Hơn 75% giao dịch bao gồm các điều khoản không cạnh tranh dành cho người sáng lập và nhân viên chủ chốt của các tổ chức được mua lại. Các giao dịch có giá trị cao có nhiều khả năng sử dụng các điều khoản không cạnh tranh hơn.
Số lượng giao dịch trong mỗi phạm vi trong năm quy mô giao dịch – bắt đầu từ 1 triệu đô la đến 5 triệu đô la và kết thúc ở mức 50 triệu đô la và ngưỡng HSR với xu hướng ngày càng tăng.
Trong số 616 giao dịch, 65% là từ 1 triệu đến 25 triệu USD. Khoảng 2/3 các giao dịch trong phạm vi đối với các doanh nghiệp trong nước. 39,3% giao dịch được thực hiện với các mục tiêu là những đối thủ có liên quan đến hoạt động của công ty, tính đến thời điểm hoàn thành giao dịch, dưới 5 năm tuổi.
Hơn 50% giao dịch thì công ty mục tiêu có số lượng nhân viên toàn thời gian (không liên quan đến hoạt động bán hàng) nằm trong khoảng từ 1 đến 10. Số lượng nhân viên tỷ lệ thuận với quy mô của giao dịch.
Báo cáo của FTC đã chỉ ra lỗ hổng của ngưỡng thông báo theo quy mô giao dịch HSR có thể bỏ sót các giao dịch ngoài tầm kiểm soát do không thể hiện đầy đủ bản chất của tác động cạnh tranh liên quan đến các công ty công nghệ.
Một phần ba các giao dịch được thực hiện với đối tác nước ngoài. Trong tương lai, cần phải xem xét kỹ lưỡng hơn các thoả thuận phản cạnh tranh trong các giao dịch mua lại.
Trong khi pháp luật hiện hành quy định ngưỡng quy mô giao dịch là dữ liệu thô để yêu cầu báo cáo thì đối với thị trường kỹ thuật số, một giao dịch quy mô nhỏ của các công ty nền tảng công nghệ lớn cũng cần được xem xét cẩn trọng.
Mỗi vụ sáp nhập riêng lẻ, được nhìn nhận một cách độc lập, dường như không có tác động đáng kể, nhưng tác động cộng hưởng của hàng trăm thương vụ mua lại nhỏ lại có thể dẫn đến một sức mạnh độc quyền khổng lồ.
Ngọc An